Sáng 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).

bna_toancanhanhthanhle2361447_1352020.jpgCác đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hiền; Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Tại hội nghị, đã có 11 ý kiến đóng góp về bố cục cơ cấu, kỹ thuật lập pháp, địa vị pháp lý của 2 luật  sửa đổi bổ sung lần này.

Đối với  Luật Đầu tư, hiện đang tồn tại nhiều điều khoản quy định không còn phù hợp, thiếu chặt chẽ; mối quan hệ  giữa Luật Đầu tư  với các luật có liên quan và điều ước quốc tế. Phần lớn ý kiến cho rằng Luật Đầu tư nên chia thành 2 phần: Đầu tư công và Đầu tư kinh doanh. Cần xem xét những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; loại dự án được ưu đãi trong cụm công nghiệp...

“Về quy định chuyển nhượng dự án, Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nội dung điều chỉnh, giản tiến độ, chuyển nhượng dự án đầu tư, nên quy định định mức, thời gian thực hiện dự án, tránh trường hợp dự án treo, quy hoạch treo. 

Đi cùng với đó là cần có chế tài để xử lý các dự án treo, bởi lẽ trên thực tế các dự án thu hồi do chủ đầu tư tự nguyện trả lại hoặc không tiến hành được mới thu hồi được” - Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng bày tỏ.

Cho ý kiến về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của luật này với các luật khác có liên quan.

Những bất cập chưa có quy định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng hộ kinh doanh, loại hình kinh doanh, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp, cần bổ sung quy định về phòng, chống tham nhũng trong Luật Doanh nghiệp; bổ sung quy định các hộ kinh doanh đưa vào quản lý như doanh nghiệp để kiểm soát doanh thu, chống thất thu thuế.

Đại sứ quán Thái Lan khảo sát tại cảng Cửa Lò. Ảnh minh họa: Thanh Lê

Đại biểu Nguyễn Thị Giang (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nên có quy định đối tượng hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật, bởi kế thừa các văn bản pháp luật cũ tạo hành lang pháp lý cho mô hình này hoạt động, tạo công bằng giữa các loại hình, nâng cao vị thế pháp lý của hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, về lâu dài các đại biểu đề nghị xây dựng văn bản luật quy định riêng cho mô hình này cho phù hợp, bởi bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mặt khác khối lượng của các chủ thể này rất lớn nên có quy định riêng.

Đại biểu Nguyễn Thị Giang (Sở Kế hoạch và Đầu tư) góp ý vào dự thảo Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lê

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão  ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu tổng hợp các ý kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp tới.