Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Bộ Tài nguyên và môi trường lấy ý kiến góp ý trực tuyến trong khoảng 3 tháng, từ giữa tháng 12/2019. Trong khoảng thời gian này, có rất nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý sửa đổi Dự thảo.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động, trong đó: Đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Tại Hội nghị, với điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, đại diện lãnh đạo các địa phương đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự án luật, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Cụ thể như: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh, thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực, bổ sung nội dung "đánh giá sức chịu tải của môi trường" vào kế hoạch quản lý chất lượng không khí.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là thực sự cần thiết. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân.