Chiều 17/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác trẻ em giai đoạn 2011 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030.
Các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH; Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các Sở, ban ngành liên quan và các đơn vị là thành viên của Ban điều hành công tác trẻ em tỉnh; đại diện các đơn vị cấp Hội thực hiện công tác trẻ em; Phó Chủ tịch UBND 21 huyện, thành, thị...
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm
Trong 10 năm qua công tác chăm lo và bảo vệ trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu ở các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; giáo dục và bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc trẻ em bị tổn hại giảm dần; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc ngày càng cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 05 tuổi, trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại, trẻ em lang thang kiếm sống giảm nhiều so với những năm trước.
Sau 10 năm thực hiện, các Sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng sử dụng lao động trẻ em gắn với triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội. Có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em trên địa bàn. Năm 2016 trên địa bàn tỉnh có 95 em thì đến năm 2020 không có trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, xã đã vào cuộc mạnh mẽ thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là gia đình, nhà trường và các em học sinh. Hàng năm, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em gắn với việc ký cam kết thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”; xây dựng và duy trì mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 21 huyện, thành, thị; xây dựng các mô hình “Trường học an toàn”; “Cộng đồng an toàn”, “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”.
Có 136 vụ trẻ em bị xâm hại
Xảy ra những vụ việc đau lòng với trẻ em có nhiều nguyên nhân. Cụ thể: Một số địa phương thực hiện việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt thiếu chủ động, chưa kịp thời; Tội phạm xâm hại trẻ em thường có độ ẩn cao, rất ít nhân chứng và phần lớn chỉ bị phát hiện khi nạn nhân tố cáo. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để công nhận kết quả giám định pháp y đối với trường hợp bị xâm hại tình dục theo yêu cầu của gia đình bị hại nên đôi khi thiếu kịp thời, mất đi nguồn chứng cứ quan trọng
Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, đang là một thực trạng nhức nhối đối với xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Hiện tình trạng tội phạm có nguy cơ bị trẻ hóa gia tăng. Nguyên nhân từ những vụ việc này một phần là do gia đình và nhà trường chưa giám sát thường xuyên; trẻ em ở nhà một mình thường xuyên lên mạng xã hội, hoặc bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi phạm tội. Với con số 24 em là tội phạm vi phạm an ninh trật tự, khiến chúng ta có nhiều băn khoăn”
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những khó khăn, tồn tại và hạn chế. Đó là: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở chưa được bố trí đầy đủ, năng lực còn hạn chế, lúng túng trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện Chương trình; sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành có khi chưa đồng bộ và chặt chẽ; một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nhất là chỉ tiêu về văn hóa, vui chơi và giải trí cho trẻ em; số trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước ngày càng diễn biến phức tạp.
“Vì vậy những người thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em cần nâng cao ý thức và kỹ năng ngăn ngừa chứ không phải tham gia phát hiện tố giác” - ông Bùi Đình Long nói.
“Tôi đề nghị sau Hội nghị này, Sở Lao động - TB&XH tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và kết luận của Hội nghị để hoàn chỉnh trình UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2025 và tổ chức thực hiện có hiệu quả; các cấp, các ngành ở tỉnh cũng như ở các huyện, thành, thị căn cứ vào các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến trẻ em; chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và thực trạng của ngành và địa phương mình để xây dựng và triển khai Chương trình và kế hoạch hành động” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Cũng tại hội nghị, 10 cá nhân và 10 tập thể đã được UBND tỉnh đã tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.