(Baonghean.vn) - 'Cần phải mở rộng Khu dự trữ sinh quyển miền Tây sang huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa, mở rộng VQG Pù Mát xuống địa bàn huyện Thanh Chương' một chuyên gia tham dự Hội nghị lấy ý kiến báo cáo đánh giá 10 năm hoạt động Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An góp ý.

Sáng 05/7, tại huyện Con Cuông, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) tổ chức  Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Báo cáo đánh giá 10 năm hoạt động Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An giai đoạn 2007 - 2017. Tham dự hội nghị có GS - TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban MAB Việt Nam; bà Hoàng Thị Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường). Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện nằm trong Khu DTSQ; đại diện VQG Pù Mát và các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Huống và Pù Hoạt; đại diện dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam; Tổ công tác đánh giá 10 năm và nhóm tư vấn...

Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận từ năm 2007, sau 10 năm hoạt động đã có những thay đổi nổi bật. Ban quản lý (BQL) khu DTSQ được kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả. Việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần phát triển kinh tế của người dân địa phương và có nguồn vốn tái đầu tư vào trồng rừng, phục hồi diện tích chuyển đổi. Đồng thời, sinh kế của người dân địa phương làm nghề rừng được cải thiện đáng kể. 

Rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ rừng tăng lên từ 54,2% năm 2007 lên 64,7% năm 2016. Nhận thức của người dân về Khu DTSQ thay đổi lớn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng được hạn chế.

Từ năm 2010, hoạt động du lịch ở các huyện miền Tây Nghệ An có sự chuyển biến rõ nét, đề án phát triển du lịch được thực hiện, các tuyến, điểm du lịch được mở rộng, các cơ sở lưu trú và lượng du khách tăng lên. Nhiều di tích lịch sử được tôn tạo, các lễ hội được phục hồi, nhiều cây cổ thụ được vinh danh là cây di sản...

images1943796_sinh_quyen_3.jpgThành viên nhóm tư vấn trình bày báo cáo cơ sở dữ liệu của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Ảnh. Công Kiên

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến thảo luận trên các vấn đề bảo tồn Khu DTSQ cần gắn bó chặt chẽ với bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; cần thiết phải mở rộng Khu DTSQ sang địa bàn huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa, mở rộng VQG Pù Mát xuống địa bàn huyện Thanh Chương, quan tâm đến vùng núi Pu - Xai- Lai - Leng.

Thác Khe Kèm (Con Cuông) - điểm khám phá lý tưởng của du khách đến Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Công Kiên
GS -TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban MAB Việt Nam phát biểu ý kiến về vấn đề cập nhật cơ sở dữ liệu cho báo cáo của nhóm tư vấn. Ảnh: Công Kiên

Đồng thời, cần cập nhật thêm các công trình nghiên cứu liên quan của các nhà khoa học; quan tâm hơn nữa đến việc sinh kế cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt là việc phát triển nghề rừng; thống kê đầy đủ và chính xác về đa dạng sinh học; hiệu chỉnh một số từ ngữ trong văn bản báo cáo... 

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An kết luận hội nghị. Ảnh: Công Kiên

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Đinh Viết Hồng đánh giá cao quá trình làm việc của Tổ tư vấn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và địa phương. Đồng thời, có ý kiến chỉ đạo về việc thống nhất nguồn dữ liệu trong báo cáo, ngoài báo cáo theo mẫu quy chuẩn quốc tế cần có thêm mẫu theo quy chuẩn Việt Nam. Đồng chí Phó Chủ tịch nhấn mạnh cần lưu ý việc bảo tồn khu DTSQ phải gắn liền với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch. Về việc mở rộng khu DTSQ, cần nghiên cứu, cân nhắc mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN