Gần 300 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, thời gian qua, cả nước đã xử lý vi phạm thẩm quyền, trách nhiệm đối với 65 tập thể Ban Thường vụ Thành ủy trực thuộc Trung ương và Ban Thường vụ cấp huyện, tương đương liên quan đến công tác cán bộ.
Về cá nhân người đứng đầu (cấp phó khi được ủy quyền) đã xử lý kỷ luật 297 trường hợp; trong đó 9 trường hợp khai trừ Đảng; 35 trường hợp cách chức, cho thôi chức vụ; 97 trường hợp cảnh cáo; 131 trường hợp khiển trách; 27 trường hợp kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Những vi phạm chủ yếu do người đứng đầu áp đặt, độc đoán, chuyên quyền, thiếu công khai minh bạch, thiếu tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, dẫn đến chỉ đạo, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; đồng thời để xảy ra sai phạm của tập thể cấp ủy do mình lãnh đạo, chịu trách nhiệm liên đới do cấp dưới vi phạm.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng dự thảo Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ.
Theo đó, ngoài quy định chung, dự thảo đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị bao quát tất cả các khâu trong công tác cán bộ, từ nhận xét, đánh giá, đề xuất quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; tuyển dụng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm hoặc cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ.
Trên cơ sở dự thảo, tại hội nghị, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia góp ý vào phạm vi đối tượng và quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu mang tính định lượng để khi sai phạm có cơ sở xử lý trách nhiệm cụ thể.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia ý kiến và cho rằng, cấp ủy cơ sở cũng là một cấp có thẩm quyền thực hiện công tác cán bộ, vì vậy cần bổ sung thêm phạm vi đối tượng bao gồm người đứng đầu ở cấp cơ sở, tránh tình trạng cả xã “làm quan” như đã xảy ra ở một số địa phương.
Mặt khác, dự thảo Quy định cũng cần bổ sung đối tượng là cấp phó khi được giao ủy quyền hoặc phân công làm công tác cán bộ nếu để xảy ra sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm và xử lý trách nhiệm như người đứng đầu.
Bên cạnh đó, theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Quốc Khánh, Quy định cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; đồng thời cần quy định thêm, người đứng đầu có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bảo đảm nguyên tắc quy trình, quy định, phát huy dân chủ; người đứng đầu có quyền bảo lưu ý kiến giới thiệu nhân sự của mình khi tập thể quyết định khác với ý kiến đó để khi xảy ra sai phạm thì không phải chịu xử lý trách nhiệm.
Nhiều ý kiến thảo luận cũng đặt ra vấn đề cần quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu theo từng loại hình cơ quan làm việc (theo chế độ tập thể, theo chế độ thủ trưởng và đan xen giữa chế độ tập thể với chế độ thủ trưởng); đối với các cơ quan hợp nhất và nhất thể hóa; quy định xử lý trách nhiệm liên đới người đứng đầu khi cấp phó hoặc cấp dưới sai phạm trong công tác cán bộ; đồng thời cần hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ để bảo đảm đồng bộ.