P.V: Thưa ông, ông có thể lý giải vì sao Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 vừa qua lại có chủ đề là “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”?
Ông Bùi Văn Hưng: Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” do Bộ LĐ-TB &XH phát động nhằm nêu cao ý nghĩa đồng lòng, góp sức của tất cả các bộ, ngành, các đơn vị trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em…
Bởi, hiện nay rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức phụ trách công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng thiếu liên kết thường xuyên trong hành động, do vậy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay vì các em, bắt đầu từ các em và để chăm lo cho các em. Chăm lo từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật... Đồng thời, xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm xâm hại trẻ em.
P.V: Vậy thưa ông, để thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em những năm qua chúng ta đã có những phương án, giải pháp cụ thể nào?
Ông Bùi Văn Hưng: Trong những năm gần đây chúng ta đã ban hành hệ thống văn bản bao gồm các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn nhằm phổ biến Luật trẻ em, tuyên truyền công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, mỗi năm chúng ta đã tổ chức nhiều buổi truyền thông thông qua các diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói để trẻ trực tiếp đối thoại với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội về những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em được đề cập trong Luật Trẻ em và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những điều khó nói mà các em gặp phải trong cuộc sống. Đồng thời, sáng nhiều cách tuyên truyền như in ấn phát hành các tờ rơi, pa nô áp phíc, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền… để từ đó trẻ em được hướng dẫn rõ hơn về các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhất là chủ động phòng, chống các nguy cơ xâm hại.
P.V: Vậy thưa ông, ông nghĩ sao khi các vụ việc xâm hại trẻ em đang có chiều hướng phức tạp hơn. Điều đáng nói là các đối tượng xâm hại trẻ không ai khác mà là những người trực tiếp chăm sóc trẻ, người thân cận ruột thịt, hàng xóm, láng giềng hoặc những người đã quen biết trẻ trước đó?
Ông Bùi Văn Hưng: Trong 5 năm lại nay các cơ quan chức năng đã thống kê, có tới 71 vụ xâm hại trẻ em, điều đáng nói là trong những vụ việc này phần lớn những kẻ xâm hại phần lớn là người thân hoặc người quen với nạn nhân. Khi vụ việc được làm sáng tỏ kẻ phạm tội đã phải đền tội nhưng nỗi đau mà nạn nhân và gia đình phải gánh chịu là vô cùng lớn, có thể sẽ ám ảnh trẻ trong suốt cả cuộc đời. Vì thế, việc trẻ em được trang bị những kỹ năng để tự bảo vệ mình, phòng, chống xâm hại là rất quan trọng. Để làm được điều này không chỉ có một ngành, một địa phương, một tổ chức chính trị xã hội mà cần sự vào cuộc đồng nhất của tất cả các cấp ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là sự vào cuộc của chính gia đình.Gia đình chính là nơi đầu tiên sẽ giúp trẻ được trang bị tốt nhất các kỹ năng, để phòng ngừa, bảo vệ sớm nhất đối với trẻ.
Bên cạnh đó chúng ta cũng phải thừa nhận rằng từ lâu công tác đào tạo kỹ năng tự bảo vệ và “thoát hiểm” trong phòng, chống xâm hại cho trẻ vẫn còn chưa đáp ứng được đầy đủ so với yêu cầu hiện nay. Thế nên, công tác đào tạo kỹ năng này càng đặc biệt được chú trọng trong thời gian tới.
P.V: Được biết, trong Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh, các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị đã ký cam kết với nhiều nội dung, trong đó chú trọng đến việc đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước, phòng, chống xâm hại cho trẻ, quyết tâm thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”. Vậy, theo ông để có một mùa hè thực sự an toàn chúng ta cần triển khai những gì?
Ông Bùi Văn Hưng: Theo các nội dung cam kết Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, để trẻ được an toàn các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường vào cuộc thực hiện ngay, trong đó chú trọng Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công điện của UBND tỉnh về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ; Tổ chức kiểm tra, rà soát làm rào chắn, san lấp, lắp biển cảnh báo, khoanh vùng tại các hố công trình, bãi biển, sông suối, kênh, đập, ao hồ, các bến đò ngang...;
Chuẩn bị dự phòng các dụng cụ cứu đuối tại các điểm nguy cơ; Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, tập trung tuyên truyền Tổng đài bảo vệ trẻ em 111; Triển khai các nội dung chuyên đề hình ảnh về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống đuối nước, thương tích đối với trẻ em. Trong đó, chú trọng nhất là việc phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích để cho trẻ có một mùa hè an toàn.
P.V: Vấn đề phòng, chống đuối nước hiện nay đang là vấn đề vô cùng cấp bách đối với toàn xã hội. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến những ca đuối nước thương tâm như trong thời gian vừa qua?
Ông Bùi Văn Hưng: Phần nhiều những vụ đuối nước gần đây là xảy ra ở trẻ em nhỏ chưa biết bơi, cũng có những vụ đuối nước là do trẻ biết bơi nhưng chưa có kỹ năng phòng, chống đuối nước, nên những vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra. Hơn nữa nhiều gia đình còn chủ quan, chưa có cách thức quản lý trẻ để trẻ chơi ở những nơi thiếu an toàn, như cạnh ao, hồ, đi bắt cá, tắm sông...
Bên cạnh đó, là công tác quản lý, tuyên truyền ở một số địa phương chưa thực sự tác động đến ý thức của người dân, nhất là các gia đình có trẻ em; hệ thống bể bơi trên địa bàn tỉnh còn thiếu so với nhu cầu... Nhiều nơi dù có cắm biển báo nhưng cần có rào chắn hoặc cử lực lượng túc trực ở những giờ cao điểm trẻ hay tắm, thì yếu tố nguy cơ sẽ được giảm thiểu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của chúng ta mặc dù đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, song cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
P.V: Vậy để có một giải pháp căn cơ cho việc giảm thiểu đuối nước ở trẻ trong mùa hè này, chúng ta cần những yếu tố nào?
Ông Bùi Văn Hưng: Trước hết, chúng ta cần tích cực huy động xã hội hóa nâng cấp cơ sở vật chất trong nhà trường cũng như ở các địa bàn thôn, xóm để các em có điều kiện được học bơi. Thứ hai, cần sáng tạo trong cách thức tuyên truyền để nâng nhận thức cho nhân dân, nhất là cha mẹ, gia đình có trẻ nhỏ và chính bản thân các trẻ em. Thứ ba, tăng cường vận động gia đình, người thân thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trước, trong dịp nghỉ hè, vào mùa mưa lũ; đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho người dân và trẻ em; Thứ tư, cần có các phương thức cảnh báo ở các vùng có biển, sông, suối, ao, đầm, hồ, đập, và tuyên truyền, giáo dục để trẻ em không tắm ở những nơi có nguy cơ cao về đuối nước, tại các điểm này chính quyền địa phương cũng cần chủ động trang bị các vật dụng cứu đuối, phao cứu sinh phòng khi đuối nước có thể xảy ra với trẻ em. Thứ năm, cần tạo nhiều sân chơi bổ ích thu hút trẻ trong những ngày hè.
P.V: Vậy để trẻ có một mùa hè an toàn, theo ông cần có sự phối hợp tích cực như thế nào?
Ông Bùi Văn Hưng: Đầu tiên là chúng ta phải quản lý tốt con em của mình khi các cháu được nghỉ hè. Cần xác định rõ gia đình là nơi hiệu quả nhất và quan trọng nhất để giáo dục, quản lý, giám sát và bảo vệ các cháu; rồi đến sự vào cuộc phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội như tôi đã nói ở trên. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao có những chính sách, chương trình và triển khai các hoạt động thiết thực, theo đó, chính quyền địa phương các cấp hiện thực hóa tại địa bàn địa phương để đảm bảo mỗi trẻ em được đón một mùa hè an toàn, bổ ích và được tái tạo thêm nhiều năng lượng để bước vào năm học mới.
Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ. Chăm lo và coi trọng sự an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè, đó thực sự là trách nhiệm, tình cảm của mỗi chúng ta!
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!