Nhiều quan điểm cho rằng thị trường đi xuống phần lớn do tâm lý của khách hàng bị tác động bởi vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương trong tháng vừa qua. Trong ngắn hạn, thị trường căn hộ sẽ đi xuống theo tâm lý lo lắng này.
Cho rằng đây chỉ là phản ứng nhất thời, nhưng ông Khang nói những phản ứng của khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư bất động sản quan tâm tới chất lượng công trình nhiều hơn.
Cùng nhận định trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cũng cho biết thị trường căn hộ trong 10 ngày qua thanh khoản chậm lại. Tâm lý người tiêu dùng đang hoang mang nên việc họ chọn mua một căn hộ là rất khắt khe.
“Có lẽ thị trường cần thêm thời gian để trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đó. Việc đầu tiên là chủ đầu tư phải cải thiện sản phẩm để lấy lại niềm tin của khách hàng. Chúng tôi hy vọng chất lượng sản phẩm sẽ đi lên sau thảm họa vừa qua”, ông Châu nói.
Anh Nguyễn Anh Tú, nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch BĐS Đất Xanh (Thủ Đức), cho biết dường như khách hàng nào cũng kỹ tính và đòi hỏi khắt khe hơn. Nhân viên bán hàng "bở hơi tai" giới thiệu một sản phẩm.
“Hiện nay việc thuyết phục khách hàng rất khó, vì yêu cầu của họ cao lắm. Trước đây khi chọn mua căn hộ, khách quan tâm đầu tiên tới giá cả, tiện ích, bây giờ họ còn đòi xem cả thiết kế hệ thống PCCC. Yêu cầu khắt khe của khách hàng khiến thời gian tư vấn của nhân viên bán hàng kéo dài gấp nhiều lần. Thời gian quyết định xuống tiền mua sản phẩm cũng lâu hơn. Hai tuần qua, chúng tôi bán hàng hết sức chậm và vất vả", anh Tú chia sẻ.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh, nhận định sự thay đổi hành vi của người mua nhà buộc chủ đầu tư phải linh hoạt thay đổi phương pháp marketing bán hàng. Vụ cháy chung cư Carina đã để lại bài học đắt giá đối với các chủ đầu tư dự án căn hộ. Hiện nay muốn bán được hàng, chủ đầu tư sẽ phải có sự thay đổi lớn trong đầu tư.
“Vụ cháy chính là hồi chuông cảnh báo để các doanh nghiệp bất động sản rà soát lại toàn bộ dự án của mình, họ phải nâng cao chất lượng công trình hơn. Về phía khách hàng, trước đây khi nhận bàn giao căn hộ thường không mấy quan tâm các chứng nhận PCCC, nhưng hiện nay phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo đầy đủ. Người mua nhà cần phải thể hiện quyền của mình", ông Dũng nói.
Là người có nhu cầu về nhà ở, ngay từ đầu năm, anh Ngọc Văn (ngụ tại quận 9, TP.HCM) đã tìm hiểu nhiều dự án căn hộ để mua. Tuy nhiên, sau vụ cháy chung cư Carina, anh thay đổi quyết định, tìm nhà phố để mua.
Theo khảo sát, đất nền khu vực quận 9, TP.HCM khoảng 1 tuần nay đã được các môi giới nhà đất “thổi” lên khá cao. Một số dự án đất nền đang xây dựng hạ tầng và chưa có giấy chủ quyền (sổ đỏ) nằm trên đường Tam Đa, quận 9 cách đây một tuần được chào với giá 16,5 triệu đồng/m2, nay đã được đẩy lên 18,5 đến 19 triệu đồng/m2.
Còn tại một số dự án nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 hiện đã có sổ đỏ, giữa tháng 3 được chào với giá 25 triệu đồng/m2 thì nay được đẩy lên 30 - 33 triệu đồng/m2.
Lý giải giá đất quận 9 tăng mạnh trong một tuần qua, nhân viên môi giới của một công ty chuyên đất nền tại đây cho biết nhiều người đã bỏ ý định mua chung cư và đi tìm mua đất nền để xây nhà. Số người tìm mua đất nền đã tăng nên giá cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, kể từ khi chính quyền thành phố siết việc phân lô, tách thửa nên đất phân lô mới hiện nay rất khan hiếm. Cung không đủ cầu nên giá tăng cao, nhất là đối với những dự án đã có sổ hồng.
Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản quý I của CBRE Việt Nam, cho biết giá bán trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) của nhà liền thổ dự án tại TP.HCM đã tăng nóng trong thời qua. Cụ thể, giá bán biệt thự tăng 35% theo quý và tăng 37% theo năm. Giá nhà phố tăng 21% theo quý và tăng 35% theo năm.
Đáng chú ý nhất là shophouse (các căn nhà phố thương mại hoặc căn hộ tầng trệt trong dự án) có biến động mạnh nhất. Nhóm tài sản này đã tăng giá 59% theo quý và tăng vọt đến 261% theo năm trên thị trường thứ cấp. Rõ ràng dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển dịch vào đất nền và nhà phố thương mại.