Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành, đơn vị được giao quản lý hơn 5.900 ha trừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn 20 xã và được giao đến tận từng hộ dân để tăng cường hiệu quả bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Ngoài ra, đơn vị cũng được giao kinh phí để trồng rừng thay thế từ nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và đã trồng 275 ha rừng thay thế đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển đổi mục đích, với kinh phí thực hiện gần 4,2 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.
Trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý từng phòng hộ và kiểm tra một số điểm trồng rừng thay thế tại khu rừng đặc dụng xã Xuân Thành, vấn đề được các thành viên đoàn giám sát băn khoăn nhiều nhất, đó là việc trồng rừng thay thế phải đảm bảo mục đích phòng hộ, rừng đặc dụng, nghĩa là phải trồng những loại cây mang tính lâu dài; tuy nhiên hiện nay ở một số diện tích đang chủ yếu là cây keo và khi thu hoạch thì không đảm bảo diện tích rừng thay thế đó.
Mặt khác, diện tích rừng trồng thay thế phải được trồng ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhưng hiện tại vẫn có một số diện tích trồng ở rừng sản xuất.
Thừa nhận những tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên, cho rằng, ngoài 1 phần trách nhiệm của chính quyền huyện thì trách nhiệm chính của cơ quan chuyên ngành chưa hướng dẫn, phối hợp với địa phương để xác định các loại cây trồng bản địa như lim, sến, táu… phải là các cây trồng chính, còn cây phục vụ kinh tế như keo chỉ mang tính chất xen dắm trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thay thế.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cũng thừa nhận, do công tác quản lý đất rừng trước đây có những hạn chế, dẫn đến có một số diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển đổi và cấp bìa làm rừng sản xuất cho người dân. Từ thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành kiến nghị UBND tỉnh cần có định hướng xử lý đồng bộ vấn đề này.
Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quản lý rừng và hiệu quả đầu tư trồng rừng thay thế chưa rõ.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng thay thế đảm bảo mục tiêu phòng hộ, trong đó chú trọng nghiên cứu để đưa các cây bản địa làm cây trồng chính ở diện tích rừng thay thế.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cũng cần quan tâm đến các biện pháp phòng chống cháy rừng hiệu quả, bởi hiện tại đường vào rừng quá hẹp; đồng thời thực hiện quản lý, phân bổ, nghiệm thu kinh phí chi trả từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn quỹ.