(Baonghean.vn) - Sáng 19/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch, UBND tỉnh tổ chức họp để nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá Chương trình 135, giai đoạn 2011 - 2015.
Qua 5 năm triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, trong đó Chương trình 135 giai đoạn III, vùng miền núi dân tộc tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện và nâng lên, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; Tỷ lệ nghèo đói vùng dân tộc và miền núi giảm từ 31,35% năm 2011 xuống còn 16,54% năm 2015; cơ bản không còn hộ đói.
Trên cơ sở Chương trình 135, sản xuất nông nghiệp ở miền núi khó khăn đã chuyển dần từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung, đưa lại giá trị kinh tế cao. Các công trình hạ tầng như: giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết khó khăn cho đồng bào, tạo điều kiện phát triển KT-VH-XH, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ hộ nghèo mới giảm 2,94%, thấp hơn mục tiêu 4%/năm của Chương trình đặt ra. Mức thu nhập bình quân đầu người/ năm ở khu vực miền núi vẫn ở mức thấp, mới bằng 50% bình quân chung so với khu vực nông thôn.
Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo, trong đó tập trung vào giải pháp để khắc phục khó khăn, bất cập để Chương trình 135 phát huy hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo như: cần phát huy tối đa sức sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường của toàn thể cộng đồng, phát huy nguồn vốn đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân cho các chương trình vì người nghèo; cần nâng cao vai trò quản lý, giám sát các công trình, dự án thuộc chương trình 135 của chính quyền địa phương và nhân dân.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường nhấn mạnh, đây là chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng, vì vậy, cần thể hiện rõ các yêu cầu, mục tiêu đề ra, đánh giá chính xác, cụ thể thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện và những tác động của Chương trình 135 đối với sự phát triển KT-XH ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc./.
Quốc Sơn