bna___mai_hoa_29809177_3182018.jpgQuang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, trong 3 năm (2016 – 2018), tỉnh đã đình chỉ 13 đơn vị tư vấn du học trên địa bàn.  

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Giáo dục thường xuyên, hiện toàn tỉnh có 58 đơn vị được Sở GD&ĐT cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đức, Thái Lan…

Đây là dịch vụ mới và phát triển trong vòng 4 năm lại đây, góp phần vào việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT. Và thực tế, trên địa bàn tỉnh tổng số người được tư vấn, tuyển sinh đi du học toàn tỉnh được 925 người.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, còn nhiều đơn vị không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động. Mặt khác, có tình trạng đơn vị tư vấn cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng, nhất là công khai về các khoản tài chính trong thời gian học tập, dẫn đến dễ gây những khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí học tập của du học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Huy Vinh thừa nhận sự chậm trễ trong quy trình cấp phép hoạt động các trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: Minh Chi

Ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: Du học có 2 hình thức học bổng và tự túc, chứ ở nước ngoài không có hệ vừa học, vừa làm. Tuy nhiên vẫn có đơn vị tư vấn có người có nhu cầu sang đó vừa học, vừa có cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, song thực tế lại không phải như thế, tạo ra cho “thị trường” này có những lộn xộn.

Tại cuộc làm việc, thông qua khảo sát thực tiễn tại một số trung tâm ngoại ngữ, đơn vị tư vấn du học trên địa bàn thành phố và huyện Diễn Châu, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã nêu nhiều vấn đề yêu cầu Sở GD&ĐT làm rõ.

Ông Hoàng Lân – Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh nêu tình trạng cấp giấy phép hoạt động các trung tâm ngoại ngữ chậm, dẫn đến hoạt động không phép; việc thẩm định giáo trình cũng như đánh giá chất lượng đào tạo ở các trung tâm chưa được quan tâm, cho nên chưa tạo động lực cho các đơn vị thi đua lẫn nhau, chưa được đánh giá tạo sự đánh giá, sự cạnh tranh giữa các cơ sở, trung tâm.

Đoàn khảo sát tại một đơn vị tư vấn tại Diễn Châu. Ảnh: Minh Chi

Trả lời vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Huy Vinh thừa nhận sự chậm trễ trong quy trình cấp phép hoạt động các trung tâm ngoại ngữ, đồng thời đề xuất với UBND tỉnh phân cấp cho Sở trong vấn đề cấp phép để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng khẳng định, thời gian tới, ngành quan tâm hơn đến công tác thẩm định giáo trình, gắn với kiểm tra chất lượng đào tạo và tạo các điều kiện để các trung tâm thi đua, cạnh tranh lành mạnh.

Đề cập đến hoạt động các đơn vị tư vấn du học, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT cần quan tâm thẩm định chặt chẽ về cơ sở vật chất, nhân viên tư vấn đảm bảo quy định và đặc biệt là thị trường đưa học sinh đi du học của các đơn vị tư vấn.

Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh việc thu phí và xây dựng các hợp đồng du học gây bất lợi cho người đi học. Ảnh: Minh Chi

Sở cũng cần định hướng đúng, đủ, thực chất hoạt động du học tại các trường THPT, từ đó hạn chế việc các đơn vị tư vấn quá thực tế; đồng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn công khai các khoản phí, kinh phí qua từng năm học tiếng và lên học nghề, học ngành tại nước bạn, để các gia đình chủ động về nguồn tài chính, tránh làm mất cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm của các em do gia đình không đảm bảo được nguồn tài chính học tập.

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh việc thu phí và xây dựng các hợp đồng du học gây bất lợi cho người đi học…

Liên quan quản lý các trung tâm ngoại ngữ, bà Nguyễn Thị Lan đề nghị Sở GD&ĐT cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo cấp huyện có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động của các trung tâm tại địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các trung tâm chưa cấp phép mà vẫn hoạt động.