(Baonghean.vn) - Đập chứa bùn thải của xí nghiệp thiếc bị vỡ ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chảy tràn chất bùn màu đen, nước thải màu vàng tràn xuống khu khe suối, từ từ ập vào khu dân cư.
» Làm rõ nguyên nhân vỡ đập chứa bùn thải, cá chết ở Qùy Hợp
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Trung tâm khai thác, sản xuất của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc nằm trên núi Lan Toong, độ cao hơn 700m. Khu vực này quanh năm mây mù bao phủ. Sáng 9/3, người dân các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang của xã Quỳ Hợp bất ngờ phát hiện trên dòng suối Bắc, dòng Nậm Huống - hệ thống đầu nguồn chính của sông Dinh (Quỳ Hợp) nhiều bùn đen quánh và nước thải màu vàng tràn xuống. Lần theo khe suối, người dân và chính quyền địa phương phát hiện bể chứa chất thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc thuộc Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã bị vỡ. Bể chứa chất thải nằm "treo" trên sườn đồi có dung tích chứa hơn 10.000m3, được đắp bằng đất yếu. Vậy nên việc vỡ bể là điều có thể nhìn thấy trước. Theo báo cáo của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc, đoạn bể chứa bị vỡ dài 12m, nhưng thực tế cho thấy có khoảng trên 60m đê chắn bị vỡ, lún sụt. Sau khi bể chính bị vỡ, đã có hàng trăm m3 bùn và chất thải tràn ra ngoài theo sông suối đổ xuống hạ lưu. Anh Lô Văn Thành, cán bộ môi trường xã Châu Thành (Quỳ Hợp) là một trong những nhân chứng đầu tiên có mặt lúc 9h ngày 9/3 khi xảy ra sự cố. Anh Thành cho hay, khi hay tin dòng suối Bắc mang theo bùn đen chảy tràn xuống vùng dân cư, anh cùng những người khác đã lần theo dòng suối nhiều tiếng đồng hồ và phát hiện bể chứa chất thải chính của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc bị vỡ. Hiện tại lượng nước thải trong bể chứa đã chảy hết ra ngoài, chỉ còn lại lớp bùn quánh trên mặt, số khác đã khô, bốc mùi diêm sinh rất khó chịu. Tại hiện trường thời điểm phóng viên Báo Nghệ An có mặt, chỉ có một máy xúc đang gạt lớp bùn tạo đê chắn nhằm ngăn nước trên cao không tiếp tục tràn vào bể chứa đã bị vỡ. Việc khắc phục này không có nhiều ý nghĩa khi mà hệ thống chứa thải vẫn được làm hết sức tạm bợ, thủ công. Việc khai thác quặng thiếc của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc từ nhiều năm nay đã bị người dân phản ánh là gây ô nhiễm nguồn nước, khiến diện tích canh tác, nuôi thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại vẫn có nhiều hầm lò của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đang hoạt động với điều kiện thủ công, giản đơn. Hiện trạng hầm lò khai thác. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, công nhân Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đã ngừng hoạt động. Được biết sau khi xảy ra sự cố, chính quyền huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu đơn vị dừng khai thác. Đường vào lò khai thác số 5 dài trên 200m và có nhiều ngách dọc, ngang và đào âm sâu xuống lòng núi. Hầm được chằng chống, gia cố bằng cột gỗ. Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp trong lò số 5. Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã hoạt động hàng chục năm nay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Công ty này "thừa hưởng" mỏ thiếc và hệ thống sản xuất của một công ty thuộc Liên Xô trước đây. Xe goòng và một số dụng cụ phục vụ khai thác thiếc. Một công trình phụ trợ tạm bợ giữa rừng của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc. Tại trung tâm khai thác thiếc thuộc núi Lan Toong còn có nhiều bể chứa chất thải "treo" trên sườn núi. Ngoài bể chứa bị vỡ, phóng viên Báo Nghệ An còn phát hiện một số điểm xả thải trực tiếp ra môi trường gây nguy hại cho người dân các xã Châu Thành, Châu Quang, Châu Cường. Một miệng hố dẫn chất thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc. Từ trên cao có thể nhận thấy, dòng bùn thải từ bể chứa đổ xuống dòng suối Bắc gây ra hệ lụy cho môi trường và cuộc sống của người dân. Nhóm PV