Ngày 13/1, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, vừa ký quyết định kỷ luật 5 cán bộ xã Thanh Mỹ liên quan đến vụ tranh chấp đất đai mà Báo Nghệ An đã có bài phản ánh gần 3 tháng trước. Cả 5 cán bộ xã này đều bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Mang máy xúc phá nhà hàng xóm vì 40 cm đất mặt đường
(Baonghean.vn) - Cho rằng người hàng xóm xây nhà lấn sang phần đất của mình, ông Bắc thuê máy xúc, phá nát một phần căn nhà này.
Theo đó, ông Phạm Xuân Lực - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ bị kỷ luật vì “Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai, ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Chủ tịch UBND xã bị kỷ luật vì “Thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu, chỉ đạo giải quyết tranh chấp đất đai. Trong khi đó, hai Phó Công an xã là ông Võ Văn Tịnh và Phan Bá Hiền bị kỷ luật vì “Thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu, giải quyết kịp thời trong việc mang máy xúc phá nhà hàng xóm”. Ngoài ra, ông Lưu Văn Thủy - cán bộ địa chính bị kỷ luật vì “Thiếu trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết tranh chấp đất đai”.
Trước đó, ngày 22/9/2017, cho rằng người hàng xóm Nguyễn Duy Hữu (thôn 5, xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) xây nhà sang phần đất của mình, ông Trần Đình Bắc (51 tuổi), đã thuê máy xúc đến phá nát một phần của căn nhà này. “Tôi lên ủy ban báo công an xã, thấy anh Tịnh Phó Công an xã đang đánh bóng chuyền. Tôi nói: “Anh ơi nhà em đang có người phá”.
Anh Tịnh nói: "Phá là đúng rồi. Mà giờ cũng hết giờ làm việc rồi...”, anh Hữu chia sẻ. Người này còn kể, đã vào nhà ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ để trình báo thì ông này nói: "Phá thì phá rồi, giờ tao xuống làm được gì. Tao không thể dán nhà lại được...". Khu vực tranh chấp giữa 2 gia đình ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Hùng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nghệ An, việc tranh chấp đất đai này diễn ra hàng chục năm nay, kéo dài đến 4 đời chủ đất nhưng vẫn không được chính quyền địa phương giải quyết triệt để. Theo đó, năm 1994, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, xã Thanh Mỹ đã bán một thửa đất nằm sát đường liên huyện cho ông Lê Viết Lĩnh.
Thửa đất này nằm liền kề với vườn của ông Nguyễn Duy Bính (bố anh Nguyễn Duy Hữu). “Do mua xong nhưng không sử dụng nên khu vực này thường xuyên bị cha con ông Bính sống kế bên lấn chiếm. Sau nhiều lần tranh cãi, ông Lĩnh đã chuyển nhượng lại thửa đất này cho người con rể. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn sở hữu, người này cũng không chịu được cảnh suốt ngày bị lấn chiếm nên tiếp tục chuyển nhượng cho ông Lê Huy Hải (67 tuổi)” - ông Hoàng Tiến Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ cho hay.
Mặc dù ông Hải sau đó đã xây bờ rào làm ranh giới nhưng “đường biên” này cũng nhiều lần bị cha con ông Bính đập bỏ. Tranh chấp kéo dài dai dẳng. Hơn hai năm trước, ông Hải bán thửa đất này lại cho ông Trần Đình Bắc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Bắc phải vào tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy nên thửa đất này vẫn bị bỏ hoang. Năm 2016, ông Bính mất. Một thời gian sau, Hữu đang làm thuê ở Trung Quốc về quê, cùng với anh trai xây một cửa hàng nhỏ, tiếp tục lấn sang đất của ông Bắc khoảng 40 cm đất mặt đường. Trong quá trình xây dựng, anh em anh Hữu nhiều lần cãi vã với bà Nguyễn Thị Long (vợ ông Bắc).
Chồng đang ở tù, một mình không ngăn cản được hàng xóm xây nhà, bà Long nhiều lần gửi đơn lên chính quyền địa phương khiếu nại. Tuy nhiên, thay vì giải quyết vụ việc, lãnh đạo xã Thanh Mỹ lại đùn đẩy cho Ban quản lý thôn. Vài tháng trước, ông Bắc chấp hành xong án phạt tù trở về nhà, giữa hai gia đình nhiều lần cãi vã. Ông Bắc sau đó đưa ra “tối hậu thư”, buộc gia đình anh Hữu phải phá dỡ nhà này trong vòng ba ngày, nếu không ông sẽ gọi người đến phá.
Liên quan đến hành vi mang máy xúc phá nhà hàng xóm, đại tá Lương Thế Lộc - Trưởng Công an huyện Thanh Chương cho biết, công an vẫn đang chờ giám định thiệt hại để khởi tố ông Bắc vì tội Hủy hoại tài sản. “Có một số tài sản vừa được liệt kê nên cần thời gian giám định. Tuy nhiên, với số tài sản trước đó chúng tôi đã xác định, ông Bắc chắc chắn sẽ bị khởi tố. Vấn đề chỉ là khung hình phạt”, đại tá Lộc nói. Ngoài ra, người lái máy xúc do ông Bắc thuê cũng đang bị xem xét trách nhiệm.
Trong khi đó, liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà chức trách vẫn đang rà soát hồ sơ để đối chiếu, đồng thời đo đạc cụ thể để xác định có hay không việc lấn chiếm. Theo người dân, không chỉ lấn chiếm đất của ông Bắc, hộ ông Hữu còn lấn chiếm cả đất công suốt hàng chục năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý.
Cũng dịp này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương còn ký quyết định kỷ luật hai cán bộ xã Thanh Mai là ông Trần Công Bằng - Chủ tịch UBND xã và ông Hà Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã. Cả hai ông này đều bị kỷ luật với hình thức khiển trách vì “Thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng”.
Trao đổi với phóng viên ngày 12/1, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, việc kỷ luật liên quan đến sai phạm trong việc phá rừng từ gần một năm trước.
Theo tìm hiểu, tháng 4/2017, hàng nghìn mét vuông rừng ở khu vực thôn Đá Bia (xã Thanh Mai), bị chặt phá để lấy củi bán. Đây là khu vực rừng tự nhiên đã được giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Trong diện tích bị phá, có cả khu vực đã được giao khoán cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai. Việc phá rừng được phanh phui sau khi xảy ra vụ cố ý gây thương tích. Theo đó, tháng 5/2017, anh Trần Văn Hảo (33 tuổi, em rể Chủ tịch UBND xã Thanh Mai) bán cho anh Lê Đình Chiến (33 tuổi, xã Thanh Thủy) một khối lượng củi với giá hơn 22 triệu đồng, tại khu rừng thuộc xóm Đá Bia. Theo anh Chiến, do địa hình vào nơi lấy củi là đường núi dốc cao, cộng với thời tiết không ủng hộ nên việc vận chuyển củi gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian vận chuyển. Sáng 11/8/2017, anh Chiến nhờ em trai cùng vào rừng tiếp tục chở củi nhưng bị anh Hảo cản trở.
Cho rằng việc mua củi đã được hai bên thống nhất và trả tiền mặt sòng phẳng nhưng khi chưa lấy hết củi thì bị chính người bán cản trở, giữa anh Chiến và Hảo đã phát sinh mâu thuẫn, giằng co. Em trai anh Chiến sau đó bị Hảo chém thương tích nặng.
Số củi này sau đó được xác định có nguồn gốc từ việc phá rừng tự nhiên đã giao khoán cho ông Trần Công Bằng và một số hộ khác. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Bằng cho rằng, khu vực này ông đã chuyển nhượng lại cho em rể từ năm 2016. Trên thực tế, việc chuyển nhượng đất rừng cũng đã vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng được giao khoán.
Ngoài ra, theo biên bản kiểm tra tình trạng phá rừng của kiểm lâm, một diện tích lớn rừng bị phá khác cũng thuộc quản lý của ông Hà Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai.
Số củi này sau đó được xác định có nguồn gốc từ việc phá rừng tự nhiên đã giao khoán cho ông Trần Công Bằng và một số hộ khác. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Bằng cho rằng, khu vực này ông đã chuyển nhượng lại cho em rể từ năm 2016. Trên thực tế, việc chuyển nhượng đất rừng cũng đã vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng được giao khoán.
Ngoài ra, theo biên bản kiểm tra tình trạng phá rừng của kiểm lâm, một diện tích lớn rừng bị phá khác cũng thuộc quản lý của ông Hà Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai.
Tuy nhiên, trong Quyết định xử phạt hành chính về hành vi phá rừng thì chỉ có ông Trần Văn Hảo (bị phạt 25 triệu đồng); ông Nguyễn Phùng Hào (bị phạt 15 triệu đồng); ông Đậu Đình Khánh (bị phạt 7,5 triệu đồng) và ông Hà Quang Hồng (phạt 40 triệu đồng) mà không hề có tên hai vị lãnh đạo xã Thanh Mai.