Chuyện cán bộ có tầm ảnh hưởng gợi ý hoặc được biếu quà không còn là mới. Tùy loại công việc, tùy vị trí mà giá của quà nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, đó có thể là vài trăm nghìn hay hàng chục tỷ đồng, có thể là vật chất hoặc phi vật chất.
Sự biến tướng của cái được gọi là “quà tặng” gây bức xúc trong dư luận, làm xói mòn đạo đức cán bộ, niềm tin của nhân dân. Và dù đã được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nó vẫn là một thách thức, một khó khăn trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn và tội phạm tham nhũng.
Trong buổi tiếp dân mới đây, trước sự nghi ngờ cán bộ xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc nhận quà của người chiếm đất để không dỡ bỏ công trình sai phạm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì thẳng thắn: “Cán bộ nào sai, nhận quà để ỉm đi sai phạm thì phải kỷ luật, phải trả lại đất công cộng cho tập thể”. Trước đó chưa lâu, bà Nguyễn Thị Kim Anh (lúc đó là Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng) gợi ý đơn vị: “Đối tượng thanh tra ở tỉnh Vĩnh Phúc là phải có quà để định hướng”.
“Quà” nói đến ở đây là gì nếu không phải là hàng trăm triệu, hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp, tổ chức, của người dân. “Quà” ấy là gì nếu không phải là sự vòi vĩnh đến trắng trợn của những người nhân danh cán bộ. “Quà” ấy là gì nếu không phải là sự trả giá cho việc làm ngơ, lờ đi sai phạm của cá nhân, tổ chức. “Quà” ấy là gì nếu không phải là miếng ngon béo bở để chia phần, để tiếp tục nuôi dưỡng đường dây lợi ích. “Quà” ấy là gì nếu không phải là sự đổi chác đi đêm của những người làm lợi cho bản thân bằng bất cứ giá nào, kể cả bán rẻ liêm sỉ.
Chính vì có chuyện đi đêm, có chuyện làm ngơ, có chuyện nhũng nhiễu, có chuyện quà cáp nên quy hoạch đô thị mới bị phá vỡ bởi chung cư sai phép, trái phép hàng mấy chục tầng mọc lên san sát; các công trình lấn chiếm đất công, lấy đất của dân và trả với giá bèo bọt; mới có nhiều khiếu tố về đất đai, về việc thực hiện chính sách mà dù đã có lệnh này, chỉ thị kia vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; mới để cho những sai phạm nối tiếp sai phạm.
Trong báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, năm nào số cán bộ, công chức nộp lại quà tặng, trị giá quà tặng cũng được thống kê. Nhưng không ai dám khẳng định, cán bộ, công chức đã thực hiện nghiêm quy định về tặng quà và nhận quà tặng, đã phản ánh đúng chuyện biếu và nhận quà.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 vừa qua, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn. Quà tặng không đúng quy định phải từ chối, không từ chối được phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.
Quy định thì như vậy, nhưng việc nó có khả thi không, có hiệu quả không trong phòng, chống tham nhũng lại là vấn đề mà ngay cả người trong cơ quan lập pháp còn nhiều băn khoăn.
Họ băn khoăn là bởi việc từ chối, nộp lại quà tặng phần lớn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người được tặng, mà sức cám dỗ của quà tặng không phải ai cũng dễ vượt qua. Băn khoăn là bởi không phải quà tặng nào cũng là vật chất; là thứ cân, đo, đong, đếm; là thứ mang đến nộp được. Băn khoăn là bởi cơ chế kiểm soát quyền lực chưa nhạy bén, hữu hiệu, việc giám sát của đoàn thể và người dân chưa thực sự được coi trọng. Băn khoăn là bởi còn sự cồng kềnh của bộ máy; còn sự ban phát trong cơ chế xin, cho; còn thiếu những công cụ hỗ trợ phát triển hành vi vòi vĩnh, nhận quà sai quy định; còn sự lo ngại về trách nhiệm giải trình, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, về sự minh bạch, nghiêm túc trong xử lý hành vi vòi quà, nhận quà sai quy định.
Chỉ khi nào giải tỏa được những băn khoăn ấy, quy định từ chối nhận quà tặng không đúng quy định mới khả thi, mới bóc trần được hành vi hối lộ núp bóng dưới dạng quà tặng, góp phần dẹp nạn tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang quyết tâm thực hiện.