Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam, bà Hoài tỏ vẻ lo lắng: “Hiện tượng này xảy ra thường xuyên nhưng năm nay bị nặng hơn. Năm nay, gia đình chỉ mới bán được 4 triệu đồng tiền cam nhưng số lượng cam trong vườn đã vơi đi một nửa do cam rụng. Trong khi lượng đầu tư cho cả vụ trồng là khoảng 40 triệu đồng”. Theo bà Hoài, hiện tượng cam rụng có thể là do một loại bệnh chứ không phải cam chín nẫu rồi rụng.
Chị Lương Thị Ưng, hộ trồng cam ở bản Tân Hương cho biết: “Sáng nào gia đình tôi cũng phải nhặt cam rụng đem đi đổ”.
Ngoài ra, người trồng cam cũng đang đối mặt với tình trạng rớt giá thảm hại. Đang chính vụ, lượng cam chín rất nhiều nên có những gia đình phải bán tháo để tránh cam rụng với mức giá 5.000 đồng/kg trong khi trước đó vài tuần, giá tại vườn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Hiện, trên địa bàn xã, cam đã đến tuổi thu hoạch nhưng bị rụng nhiều. Hiện tại bà con đang gặp khó khăn về đầu ra và giá cam quá thấp.
Điều đáng nói, trên địa bàn huyện Con Cuông có một hợp tác xã trồng cam và được cấp tem dán nhãn nhưng số lượng xã viên hạn chế vì nhiều hộ dân không đủ khả năng đóng góp cổ phần để tham gia. Và trên thực tế, xưởng chế biến cam của cơ sở này cũng chỉ có thể thu mua với số lượng ít.