Men theo con đường làng “tỷ phú” xã Diễn Tháp, chúng tôi tìm đến gia đình cụ bà Nguyễn Thị Cứ (SN 1930). Căn nhà tình thương hai gian ẩm thấp, tường nhà rêu mốc và có phần bong tróc qua thời gian lại nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng là nơi trú ngụ của cụ Cứ và 2 người con tật nguyền. Bên trong nhà không có vật dụng gì có giá trị ngoài hai chiếc giường ọp ẹp đặt góc nhà.
Ở cái làng này ai cũng biết đến hoàn cảnh éo le của gia đình cụ Cứ. Dù đã gần 90 tuổi nhưng hàng ngày cụ vẫn phải đi chợ bán nước nuôi 2 con tật nguyền. Tuy nhiên, hôm tôi đến cụ Cứ ở nhà. Là do cụ bị ốm không thể đi chợ được. Mặc dù công việc bán nước chỉ được vài chục ngàn đồng mỗi ngày nhưng đây là cách để cụ đong bơ gạo, mua bó rau hay mớ cá vụn cho các con ăn qua ngày. Những hôm cụ ốm, 2 người con cũng đành phải nhịn ăn.
Cuộc sống dường như chẳng dành chút may mắn nào cho người mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời. Ngày lại ngày, cụ Cứ luôn sống trong nơm nớp vì lo cho 2 đứa con tật nguyền. Cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời cụ Cứ lao động không ngưng nghỉ để kiếm tiền nuôi các con. Nay bên sườn dốc vẫn chưa một giây phút hết nỗi lo.
“Không may mắn khi 2 người con sinh ra đã tật nguyền, dù còn một hơi thở tôi cũng cố gắng chăm lo cho các con, không để chúng phải đói”- cụCứ gạt giọt nước mắt khô nhìn người con tật nguyền nói.
Về 2 người con tàn tật của cụ Cứ, ông Chu Văn Đào (SN 1957), người con trai đầu chỉ có thể nằm một chỗ, không thể đi lại. Mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh đều diễn ra trên chiếc giường ọp ẹp nơi góc nhà. Còn ông Chu Văn Hòe (SN 1966) cũng chỉ có thể đi lại vài ba bước quanh sân nhà hoặc ngồi vật vờ bên thềm nhà. Cả hai người đều bị thiểu năng trí tuệ.
Tuổi cao như ngọn đèn trước gió, và có lẽ nghĩ mình sẽ chẳng còn bên các con được bao lâu nên cụ Cứ luôn nhìn các con với ánh mắt vừa tràn ngập tình thương yêu, vừa tủi buồn đắng đót. “Tuổi già giọt lệ như sương. Một mai mẹ mất còn ai dẫn đường” - bất giác cụ Cứ nói xa xăm nghe thật não nề.