Nhưng dù phía Trung Quốc tỏ ra sốt sắng, phía Mỹ lại tỏ ra khá thận trọng, thậm chí thờ ơ với đề xuất này khi một loạt quan chức cấp cao vẫn khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì áp lực với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề thương mại. Những diễn biến này, chưa thể nhận thấy bất cứ khả năng “thoát đáy” nào trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
Lời đề nghị mang “phong cách Trung Quốc”
Khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020 hé lộ người chiến thắng là ông Joe Biden, dư luận Trung Quốc đã cho rằng, khó có thể hy vọng vào khả năng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Joe Biden. Bởi vậy, không ít người ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng kêu gọi “cài đặt lại” mối quan hệ Mỹ - Trung, nhất là trong diễn đàn có chủ đề mang đậm chất “cổ động” là: “Đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng”.
Nhưng theo giới phân tích, lời kêu gọi của ông Vương Nghị hoàn toàn không phải là bước đi phô trương, mà đằng sau đó là những tính toán cẩn trọng mang đậm “phong cách ngoại giao Trung Quốc” - cả về thời điểm, nội dung và cách thức. Về mặt thời điểm, Mỹ vừa có một chính quyền mới với phong cách chính trị truyền thống, khác biệt rất nhiều so với chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump. Việc chính quyền mới trong hơn 1 tháng qua đưa ra rất nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại đã mang lại cho phía Trung Quốc những tia hy vọng - dù là nhỏ về khả năng Mỹ sẽ điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc trong thời gian tới. Trong bài phát biểu của mình, ông Vương Nghị cũng không quên nhắc lại cuộc điện đàm gần đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump, coi đó là bước đi tích cực, tạo nền tảng cho khả năng “cài đặt lại” quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về nội dung, ông Vương Nghị đã thẳng thắn nhìn nhận Mỹ và Trung Quốc đã cơ bản cắt đứt đối thoại song phương ở tất cả các cấp, kéo theo sự đổ vỡ trên một loạt lĩnh vực. Nhưng ông Vương Nghị đã rất khôn khéo khi đề cập tới những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác là phòng, chống Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi nền kinh tế thế giới. Những lĩnh vực này không được xếp vào nhóm “mặt trận nóng bỏng nhất” trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung suốt nhiệm kỳ của ông Donald Trump, và cũng là những lĩnh vực mà hai bên tỏ ra khá cởi mở với khả năng hợp tác. Tất nhiên, bên cạnh đề cập khả năng hợp tác, ông Vương Nghị cũng không quên kêu gọi Mỹ dỡ bỏ thuế quan đang áp với hàng hóa Trung Quốc, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với các công ty Trung Quốc mà ông Vương Nghị gọi là “sự đàn áp phi lý với tiến bộ công nghệ”.
Nhưng đáng nói nhất sau lời đề nghị cải thiện quan hệ với Mỹ của Trung Quốc là Trung Quốc đang muốn chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Trong suốt thời gian ông Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ, Trung Quốc thường không chủ động thực hiện bất cứ bước đi nào - dù là tiến hay lùi, thay vào đó là tập trung ứng phó trước các “đòn tấn công” của ông Donald Trump. Với việc chủ động đề xuất khôi phục quan hệ với Mỹ, Trung Quốc vừa thể hiện mong muốn hạ nhiệt căng thẳngtrong quan hệ song phương, vừa “đá quả bóng” trách nhiệm sang sân của Mỹ. Bởi vì, với vị trí là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại cùng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, mối quan hệ Mỹ - Trung có ảnh hưởng lớn nhất tới các mối quan hệ quốc tế. Một khi Mỹ phớt lờ lời kêu gọi đối thoại của Trung Quốc thì Mỹ là bên hứng chịu chỉ trích nhiều hơn cho những hệ lụy trong quan hệ quốc tế.
Mịt mờ chặng đường 4 năm
Bất chấp sự cởi mở từ phía Trung Quốc, phía Mỹ lại tỏ ra khá thận trọng, thậm chí thờ ơ với đề xuất đối thoại để giải quyết các khúc mắc trong quan hệ song phương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bình luận một cách trực diện rằng, tuyên bố của ông Vương Nghị là nhằm đánh lạc hướng các chỉ trích nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc là “thiếu minh bạch, không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế và đàn áp nhân quyền”. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định, Mỹ vẫn coi mối quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ mang tính cạnh tranh mạnh mẽ. Với việc đang phải tập trung tối đa để giải quyết vấn đề dịch Covid-19 ở trong nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa cho biết ông sẽ có những bước đi tiếp theo thế nào để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trong hơn 1 tháng kể từ khi chính thức nhậm chức, ông Biden vẫn thể hiện thái độ cứng rắn khi tuyên bố một cách công khai Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của nước Mỹ, và Mỹ cần phải kiềm chế sự tiến bộ về mặt kinh tế cũng như ảnh hưởng về mặt chính trị của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.
Với cuộc chiến thương mại - sức ép lớn nhất mà Mỹ tạo ra với Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump, nhiều khả năng chính quyền của ông Joe Biden sẽ vừa kế thừa và vừa có một số điều chỉnh. Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các mức thuế mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc. Trước đó, khi công bố kế hoạch kinh tế trong cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 9/2020, ông Biden cũng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về hành vi thao túng tiền tệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ. Những tuyên bố này cho thấy chính quyền Biden sẽ chưa có nhiều thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm. Không những vậy, Trung Quốc còn có thể cảm nhận áp lực rõ hơn khi Mỹ sẽ không tìm kiếm những thỏa thuận ngắn hạn như đình chiến, hay hối thúc Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ gây sức ép để Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc kinh tế, ít nhất là chính sách thương mại với Mỹ. Một điều chỉnh nữa là Mỹ có thể dựa vào các liên minh kinh tế, tổ chức thương mại đa phương để “bao vây” Trung Quốc hơn là “đơn phương độc mã” như hiện nay.
4 năm qua, Mỹ gây áp lực cực lớn với Trung Quốc bằng việc phát động những cuộc chiến về thương mại, công nghệ, sở hữu trí tuệ. 4 năm tới, có lẽ Mỹ sẽ khiến Trung Quốc vất vả hơn ở những lĩnh vực khác như trách nhiệm trong các định chế quốc tế, và đặc biệt là nhân quyền. Ông Joe Biden dự kiến sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề liên quan đến nhân quyền như Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mới đây cũng nhắc lại lập trường “Chính phủ Trung Quốc cần biết rằng, thế giới đang theo dõi sát sao vấn đề nhân quyền của họ, và chúng ta phải đặt lên bàn cân tất cả các lựa chọn để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”. Nếu Mỹ “khoét sâu” vào vấn đề nhân quyền, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục bế tắc bởi Trung Quốc luôn coi đây là “lằn ranh đỏ”, là công việc nội bộ mà Mỹ cần phải tôn trọng.
Quay trở lại thời điểm tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton đã công bố một chiến lược mà sau này trở nên rất nổi tiếng, đó là chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu rất rõ ràng là đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Khi Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Mỹ khôi phục lại quan hệ, có lẽ Trung Quốc đã nhìn thấy những cơ hội trong phong cách chính trị truyền thống của ông Joe Biden. Nhưng rõ ràng, việc xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược là cách tiếp cận có hệ thống ở thượng tầng nước Mỹ, không phụ thuộc vào việc đảng nào, nhân vật nào lên nắm quyền lãnh đạo. Bởi vậy, dù giới phân tích vẫn thường dùng từ “chạm đáy” để mô tả về quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Donald Trump, nhưng khả năng “thoát đáy” của mối quan hệ này đến giờ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.