Gia tăng vụ cháy nhà dân  
Từ đầu năm đến nay, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục xảy ra các vụ cháy nhà ở dân cư sát mặt đường trong đêm làm chết nhiều người mỗi nhà, khiến dư luận bàng hoàng. Cụ thể vụ cháy nhà dân tại quận 9, TP Hồ Chí Minh vào ngày 21/1/2021 làm 5 người trong 1 gia đình chết.
Tiếp đó, vào ngày 30/3 tại nhà số 899 đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh làm 6 người chết. Mới đây nhất, vào ngày 04/4, tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra 1 vụ cháy nhà dân làm 4 người, trong đó có 1 phụ nữ đang mang thai đều ở trong 1 gia đình tử vong.
Các vụ cháy điển hình làm nhiều người tử vong đã chấn động dư luận thời gian qua. Theo đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an tỉnh Nghệ An nguyên nhân đơn giản là các nhà dân được cho thuê kinh doanh nên lối ra cửa chính bị các vật liệu cháy đã bắt lửa thì không thoát ra phía trước được; phía sau và phía trên không có cửa thoát hiểm nên bị ngạt khói dẫn đến tử vong.
bna_a15211260_952021.jpgMột số vụ cháy ốt hàng kinh doanh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh PV
Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2021, toàn quốc đã xảy ra gần 720 vụ cháy, trong đó hơn 1 nửa (336) vụ cháy các nhà dân. Tình trạng cháy nhà dân, nhất là các nhà dân cho thuê kinh doanh gây chết nhiều người gia tăng nên Cục đã tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 10/CT ngày 12/1/2021 và đầu tháng 4/2021 tổ chức hội nghị trực tuyến để đôn đốc, nhắc nhở với các địa phương nhằm tăng cường tuyên truyền, kiểm ra các quy định về PCCC.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, các vụ cháy nhà dân lớn ở các địa phương là lời cảnh báo cho Nghệ An vì tỉnh ta có nguy cơ cháy nổ cao nhưng hạ tầng và trang thiết bị chữa cháy còn hạn chế nên không thể chủ quan. Trên thực tế, vài năm lại đây, bên cạnh các vụ cháy ở nhà xưởng sản xuất tại các cụm CN hay chợ dân sinh thì hiện tượng một số các ốt quán kinh doanh bám mặt đường Trần Phú hay Lê Lợi, TP Vinh thường xuyên xảy ra cháy, dù số người tử vong ít nhưng thiệt hại lớn về tài sản khá lớn.
Theo tư vấn của Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh, chúng tôi đã khảo sát tại các tuyến phố cho thấy tình trạng người dân chuyển đổi nhà ở bám mặt đường sang kinh doanh tại TP Vinh và các thị trấn, thị tứ ngày càng phổ biến. Cụ thể, tại các phố như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Lợi (TP Vinh) hay các tuyến đường trung tâm các huyện lỵ, hầu hết các quầy ốt tầng 1 đều cho thuê kinh doanh còn mặt tiền phía trên tầng 2-3 thì thì biển quảng cáo bịt kín, phần hở ra nếu có thì được gia cố bằng khung thép lớn, kiên cố như các chuồng cọp…
Việc lắp đặt các khung thép lớn gây khó khăn trong việc thoát nạn và công tác cứu nạn khi xảy ra cháy. Ảnh: Quang An

Đội cảnh sát PCCC, Công an TP Vinh cho biết: Có  tới 50% tuyến phố có nhà ở của dân cư, bám mặt đường đều cải tạo, chuyển đổi sang cho thuê quầy ốt kinh doanh, trong đó các tuyến phố như Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Văn Cừ mật độ cho thuê kinh doanh lớn nhất lên tới 80-90%, lối vào phía trong rất nhỏ. Tình hình cũng tương tự tại các thị trấn huyện lỵ khi hầu hết các nhà dân tầng 1 bám đường đều được cho thuê hoặc kinh doanh còn ăn ở, sinh hoạt ở tầng trên.

Dù biết cơ chế thị trường, việc cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng mang lại nguồn thu nhập chính đáng của mỗi gia đình nhưng nếu cho thuê mà không đảm bảo an toàn PCCC và ảnh hưởng đến tính mạng thì nhiều người phải nghĩ lại. Nếu nhà thiết kế cho thuê kinh doanh thì còn đỡ nhưng hầu hết nhà ở dân xây khá lâu, để kinh doanh, phải lắp đặt thêm hệ thống dây điện điều hòa, trang trí… và đây là nguồn có nguy cơ gây cháy nổ rất cao. Nếu quầy ốt đồng thời là kho bãi chứa các vật liệu dễ cháy như đệm mút, đồ nhựa thì nguy cơ cháy lớn và rất nguy hiểm về đêm. 

Các nhà xưởng hay ốt quán có lồng sắt kiên cố, khi triển khai phương án chữa cháy và cứu hộ rất khó khăn, lực lượng chữa cháy phải mất nhiều thời gian để phá dỡ. Nếu nạn nhân không được cứu hộ kịp thời thì cơ hội sống sót rất ít… 

Đại úy Nguyễn Thế Song - Đội trưởng Đội chữa cháy số 1 Khu vực TP Vinh cho biết.

 
Giải pháp hạn chế nguy cơ  
Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Khánh Thạch - Đội trưởng Đội công tác Phòng cháy, Phòng cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Rút kinh nghiệm từ các vụ cháy tại các tỉnh bạn cho thấy đã đến lúc phải chấn chỉnh và siết chặt quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Theo quy định của Luật, nhà ở có yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC khác và thấp hơn so với yêu cầu PCCC trong nhà xưởng, kho bãi, quầy ốt kinh doanh. Nhà xưởng, quầy ốt kinh doanh do có nhiều vật liệu dễ cháy, khi xảy ra, lửa bắt nhanh và mạnh nên điều kiện quản lý phải chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, các nhà xưởng, kho bãi khi chuyển đổi công năng thì phải làm lại hồ sơ để cơ quan chức năng thẩm duyệt lại phương án PCCC. 
Cháy xưởng gia công nội thất lớn ở TX Hoàng Mai. Ảnh: Chu Minh
Do nhu cầu kinh doanh nên việc cải tạo, chuyển đổi nhà ở dân cư sang kinh doanh đang diễn ra khá phổ biến và công khai nhưng yêu cầu quản lý về PCCC đối với công tác này còn bất cập và chưa có giải pháp tương xứng. Trước tình hình trên, một mặt ngành Công an đang tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành mở các đợt kiểm tra, rà soát về công tác đảm bảo an toàn PCCC, trong đó có kiểm tra nắm tình hình thực trạng về nước tại các ụ nước chữa cháy, tình hình các nhà dân ở mặt đường bị cải tạo, chuyển đổi sang cho thuê kinh doanh; chú ý đến các quầy ốt cho thuê có nguy cơ cháy nổ cao như chứa đồ đệm mút, đồ nhựa, đồ gỗ... để nhắc nhở từng chủ cơ sở có biện pháp đảm bảo, xử lý tại chỗ khi tình huống cháy xảy ra.
Bên cạnh đó, mùa hè nắng nóng đang đến gần và nhu cầu dùng điện tăng cao nên cần mở đợt cao điểm về tuyên truyền PCCC, trong đó khuyến cáo nhắc nhở người dân và chủ ốt quán kinh doanh không nên ở lại vào ban đêm và nếu ở thì phải có các biện pháp cảnh báo, thoát hiểm phòng khi cháy nổ.
Trung tá Nguyễn Khánh Thạch – Đội trưởng Đội công tác Phòng cháy cho biết thêm: Đặc điểm các nhà ở dân cư chuyển sang cho thuê thường làm rào sắt khá kín, nếu có cửa thoát hiểm thì cũng dùng khóa rất kiên cố. Khi làm điều này, các chủ nhà hay người thuê không nghĩ đến tình huống cháy nổ nên để chìa khóa rất tùy tiện, khó tìm. Vì vậy, để thoát thân nhanh nhất, phải có quy ước để chìa khóa ở nơi dễ tiếp cận nhất phòng khi tình huống khẩn cấp thì ai cũng lấy mở được mà không bị rớt. Các vụ cháy vừa qua, người dân tử vong là do không tới được cửa thoát hiểm.
Việc tập kết hàng hóa gần các thiết bị điện, thiết bị gây nhiệt gây nguy cơ cháy cao. Ảnh: Quang An

Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy, các chủ quầy ốt kinh doanh còn khá chủ quan khi cho rằng các vụ cháy khó xảy ra và nếu có thì những nhà xưởng, quầy ốt ở chợ chứ không thể ở nhà mình. Vì lý do trên nên một số chủ quầy ốt kinh doanh đồ nhựa và đồ gỗ trên đường Trần Phú, Phan Đình Phùng (TP Vinh) khi bị đoàn kiểm tra và nhắc phải bổ sung thiết bị chữa cháy tại quầy ốt kinh doanh đều lấy lý do quên và lẩn tránh.

Đại diện Đội PCCC, Công an TP Vinh cho biết

Từ thực tế trên, thông qua kiểm tra, một mặt cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhắc nhở bố trí quầy hàng hạn chế nguy cơ chập cháy, bố trí công tơ điện riêng để khi hết giờ kinh doanh thì kiểm tra và tắt điện như yêu cầu trong các chợ; mặt khác, các tổ công tác và chính quyền địa phương cũng phải xử phạt nghiêm những chủ nhà, chủ cơ sở thuê không chấp hành nghiêm quy định về PCCC tại nơi kinh doanh. Bắt buộc các chủ cơ sở quầy ốt kinh doanh thuê nhà dân phải trang thiết bị chữa cháy ban đầu; đồng thời kiểm tra vận hành các thiết bị chữa cháy, dập lửa ngay khi mới ngọn lửa mới bắt đầu...