Nhiều vụ cháy thương tâm
Dù chưa xảy ra các vụ cháy lớn kiến nhiều người tử vong như các vụ cháy xảy ra tại phường Cát Lái, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) vào rạng sáng 30/3, hay vụ cháy vào rạng sáng 4/4 tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bộ, quận Đống Đa (TP. Hà Nội). Tuy nhiên, từ các vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng báo động về công tác PCCC, đặc biệt là tại các khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy vào hồi 12h21phút ngày 8/4, tại khu vực phía sau căn nhà 2 tầng của gia đình anh L.T.H (tại xóm Đồng Phong, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn) cho biết: Thời điểm đám cháy bùng phát, gia đình anh đang ăn cơm, không một ai trong nhà phát hiện ra, chỉ khi hàng xóm xung quanh tri hô mọi người mới biết.
Do lửa xuất phát từ khu vực được sử dụng để đun nấu bằng bếp củi và làm kho chứa đồ, rộng khoảng hơn 80 m2 chứa nhiều chất dễ bắt lửa nên đám cháy nhanh chóng bùng phát và chỉ sau khi lực lượng PCCC có mặt đám cháy mới được khống chế, không lây lan ra các nhà xung quanh. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bất cẩn trong đun nấu để xảy ra cháy.
Ngoài những vụ cháy tại nhà ở, thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra khá nhiều vụ cháy tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, vào khoảng gần 22 giờ tối 9/2, người dân phát hiện hỏa hoạn, bùng phát mạnh, bao trùm toàn bộ căn nhà kinh doanh đồ nhựa và lan qua tiệm làm tóc bên cạnh tại số nhà 72, đường Sào Nam, phường Nghi Thu (TX. Cửa Lò).
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Đội PCCC&CNCH số 2 xuất 2 xe chữa cháy cùng 11 CBCS nhanh chóng tới hiện trường, triển khai đội hình chữa cháy. Sau khoảng 10 phút từ khi lực lượng chữa cháy tới hiện trường đám cháy được khống chế và dập tắt, kịp thời ngăn chặn đám cháy không để tiếp tục lan lên khu vực tầng 2 và các nhà dân xung quanh. Rất may tại thời điểm xảy ra cháy, 2 người ở trong nhà đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn. Thiệt hại ban đầu, gồm xe máy và nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Trước đó, có thể kể đến vụ cháy vào hồi 15h33 phút ngày 4/4 tại ki-ốt kinh doanh thuốc Tây tại chợ chiều Diễn Xuân (Diễn Châu); vụ cháy vào hồi 02h28' ngày 7/4 tại tiệm photocopy thuộc số 87, đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh)...
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh, từ 15/11/2020 đến 15/4/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 80 vụ cháy, trong đó, riêng tại các nhà ở, khu dân cư, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh dịch vụ là 25 vụ.
Không chủ quan, lơ là
Qua công tác kiểm tra, khảo sát của Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh, số hộ gia đình ở khu dân cư chủ động lắp đặt đầy đủ hệ thống thiết bị phòng, chống cháy nổ là rất hiếm. Hầu hết các hộ gia đình chưa trang bị bình chữa cháy nên khi xảy ra sự cố dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tại các khu dân cư, nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống liền kề, san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan. Việc không có lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra đã khiến cho nhiều vụ cháy dù không lớn nhưng lại gây thiệt hại lớn về người.
Đặc biệt, nguy hiểm hơn đối với nhà dân khi vừa kết hợp ở với sản xuất, kinh doanh, đồ đạc, hàng hóa nhiều, để sát nguồn điện, nguồn nhiệt, chưa kể chất chồng phía trước, nếu xảy ra cháy, không những chặn đường thoát hiểm mà nguy cơ ngọn lửa sẽ còn lan nhanh hơn, đồng thời gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cũng theo đánh giá của lực lượng PCCC, khi xảy ra sự cố cháy nổ trong các khu dân cư thì công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do hiện nay, hệ thống đường giao thông vào các khu dân cư rất phức tạp, hầu hết là đường nhỏ và dài, lại bị các vật kiến trúc do người dân xây dựng tự phát cản trở nên phương tiện chữa cháy khó tiếp cận. Mặt khác, hầu hết các khu dân cư do quy hoạch từ lâu hoặc hình thành tự phát nên chưa được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy, nhiều nơi có lắp đặt thì không được bảo quản tốt dẫn đến hư hỏng.
Ngoài ra, lực lượng PCCC tại chỗ, đặc biệt là tại các khu dân cư ở cách xa địa bàn trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn chưa được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên; trang thiết bị chữa cháy thiếu; phương án phòng ngừa, tổ chức chữa cháy còn hạn chế nên chưa thể ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy nổ. Nghệ An đang bước vào mùa nắng nóng. Việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt vì thế cũng nhiều hơn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Nhằm đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại khu dân cư, tại các nhà ở hộ gia đình và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả, các hộ gia đình cần lưu ý, không để các đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Ô tô, xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt.
Phải lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa để mở khi cần. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Bên cạnh đó, mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy được trang bị.