Giả lệnh bắt của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến để lừa đảo
Đây có lẽ là lần “hội ngộ” đầu tiên của Phạm Đình Luận (SN 1993), Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) Phạm Đình Phi (SN 1999) cùng trú tại xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài, Bắc Ninh kể từ phiên tòa phúc thẩm diễn ra cách đây gần 2 năm.
Sau phiên phúc thẩm, Luận bị kết án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và được đưa đến trại giam ở Hải Dương thi hành án. Cũng bị tuyên phạt mức án này, Nguyễn Hữu Thu được chuyển đến thi hành án tại Trại giam số 6 - Bộ Công an (đóng ở huyện Thanh Chương) cùng Phạm Đình Phi (bị kết án 8 năm).
Cả 3 được trích xuất đến TAND tỉnh Nghệ An tham gia phiên xét xử Nguyễn Văn Phi (SN 1990) trú xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với tư cách là nhân chứng.
Nguyễn Văn Phi bị cơ quan chức năng cáo buộc là kẻ cầm đầu đường dây giả Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên viễn thông... thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 3,3 tỷ đồng của 5 bị hại ở Khánh Hòa và Nghệ An.
Theo cáo buộc của Viện KSND tỉnh Nghệ An, trong khoảng tháng 8/2018, khi đang ở Đài Loan, Nguyễn Văn Phi liên hệ với Phạm Đình Luận (là em rể họ của Phi) tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng. Phi mua lại các thẻ ngân hàng trên với giá 3 triệu đồng mỗi thẻ. Luận nhờ Thu, Phạm Đình Phi đến các ngân hàng, mở tổng cộng 15 tài khoản ATM.
Sau đó, Nguyễn Văn Phi gọi điện cho các nạn nhân, tự xưng là nhân viên tổng đài viễn thông, thông báo việc nợ cước sau đó giả cán bộ điều tra Bộ Công an “bắn tin” những người này đang bị điều tra vì liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền quốc tế, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan công an” để phục vụ điều tra nhằm chứng minh sự trong sạch của mình.
Để các nạn nhân sợ hãi, tin và chuyển tiền vào tài khoản do mình chỉ định, thậm chí Phi còn làm giả lệnh bắt khẩn cấp có chữ ký của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (thời điểm đó là Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an) gửi qua zalo cho bị hại.
Phi dặn Luận khi nào có tiền chuyển vào các tài khoản ngân hàng thì rút tiền mặt gửi vào một tài khoản khác của Phi. Đổi lại, Luận sẽ được hưởng 20% số tiền đã rút. Chỉ trong 1 tuần, nhóm Luận, Thu và Đình Phi đã rút tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng gửi cho Phi.
Hành vi của Luận, Thu và Đình Phi bị Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ và đưa ra xét xử sau đó không lâu. Còn Nguyễn Văn Phi bị công an bắt khi vừa từ Đài Loan trở về nước vào tháng 3/2020.
Kết đắng của 3 thanh niên “làm thuê” cho trùm lừa đảo
Vào thời điểm Luận bị bắt giữ, vợ y đang mang bầu đứa con đầu lòng được 6 tháng. Người vợ trẻ kệ nệ ôm bụng bầu vào Nghệ An thăm chồng, nước mắt không ngừng rơi. Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy chẳng bền lâu như những giọt nước mắt ngày ấy. “Vợ em sinh con trai, một thời gian sau thì chúng em chia tay. Giờ cô ấy nuôi con một mình”, Luận ngậm ngùi tâm sự. Bản thân đi tù, vợ bỏ nên Luận có vẻ bất cần đời. Ra tòa với tư cách người làm chứng nhưng Luận vẫn cho rằng mình bị oan, thỉnh thoảng chất vấn tại chủ tọa và công tố viên khiến chủ tọa phải nhắc nhở. Suốt phiên xử, Luận liên tục kêu đau bụng, sức khỏe không đảm bảo. “Vào tù, em sút liền 4 cân, hay bị đau bụng, có khi đau vã cả mồ hôi, được bác sĩ bệnh xá của trại khám, cấp thuốc nhưng không đỡ. Chắc tại em suy nghĩ nhiều quá”, Luận nói.
Người trẻ nhất và cũng là người duy nhất không kháng cáo là Phạm Đình Phi. Vào thời điểm bị bắt, Phi mới hơn 18 tuổi. Với bản án 8 năm, khi mãn hạn tù, Phi cũng đã 26 tuổi, cái tuổi mà bạn bè cùng trang lứa đã bắt đầu ổn định sự nghiệp và gia đình.
“Hồi xưa em học cũng khá, được vào lớp chọn Toán của trường cấp 3 chị ạ. Nhưng rồi em bỏ học vì chán, hồi đó mê chơi điện tử hơn. Em bỏ học, thầy giáo, bạn bè, người thân khuyên nhủ nhiều lắm mà lúc đó “trẻ trâu” hiếu thắng, không chịu nghe lời. Chơi điện tử một thời gian thì chán, khi đó cũng không nghĩ đến việc quay lại trường nữa, thế là em theo các anh lớn đi chơi, có khi đi đòi nợ cùng rồi dính líu đến vụ này”, Phi tâm sự với giọng tiếc nuối. Hỏi vì sao không kháng cáo để được giảm án, Phi nói “mình làm thì mình chịu”. Vào trại giam, Phi được phân công làm công việc đan lát. Vốn chưa quen với công việc tay chân cần sự tỉ mỉ, nhẫn nại, Phi khá chật vật để làm quen. “Giờ em đan tốt rồi nhưng sau này ra tù phải kiếm công việc khác để làm thôi chứ em không hợp với công việc này”, Phi nói vậy thôi chứ chính cậu cũng chưa định hình mãn hạn tù mình sẽ làm gì.
“Ngày trước em khuyên Phi đừng bỏ học mà nó không nghe”, Nguyễn Hữu Thu ngồi bên cạnh góp chuyện. Trái với giọng nói như ríu vào nhau khi chủ tọa hỏi, Thu khá cởi mở tâm sự về mình. Mồ côi bố từ nhỏ, gia cảnh khó khăn do mẹ còn phải chăm anh trai bị tàn tật nên Thu sớm nghỉ học, đi làm thuê cho một chủ sà lan trong huyện. “Em bị lôi kéo chứ có biết gì đâu. Anh Luận nói đi mở thẻ ATM bán thì rủ Phi đi cùng. Lúc đầu em không biết làm thế là vi phạm pháp luật nhưng sau mỗi lần anh Luận nói đi rút tiền, được trả công cả chục triệu đồng thì ngờ ngợ nhưng tiền kiếm dễ quá. Mình có mất công sức gì đâu mà bằng cả mấy tháng đi làm trên sà lan thế là tặc lưỡi làm. Hồi đó có điện thoại nhưng chỉ mở xem mấy thứ linh tinh chứ không chịu tìm hiểu pháp luật. Giờ biết sai nhưng muộn rồi...”, Thu ngậm ngùi.
Cùng do hoàn cảnh éo le mà từ khi bị bắt, Thu chưa từng được gặp lại mẹ bởi bà chưa vào thăm lần nào. Dù buồn tủi nhưng Thu không trách mẹ bởi ngoài việc phải gánh điều tiếng có đứa con đi tù, bà phải chăm sóc một đứa con tật nguyền. Có lẽ, cả cuộc đời bà đã dành biết bao hy vọng vào đứa con lành lặn này...
“Em mất hết cả rồi chị ạ. Vụ này em được chia khoảng 100 triệu đồng mà lãnh đến 12 năm tù. Em không có tiền đền bù cho người ta nên chắc không được giảm án. Giờ gần 30 tuổi rồi, thi hành án xong cũng gần 40 tuổi, khi đó đời còn gì nữa chị... Cái giá phải trả đắt quá!”, Thu ngậm ngùi.