Chiều 11/1, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021. Dự chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Thực hiện 1.155 cuộc đấu giá
Năm 2020, Sở Tư pháp góp ý 351 văn bản, thẩm định 83 lượt dự thảo văn bản. Phòng Tư pháp cấp huyện đã thẩm định 70 lượt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành. Qua kiểm tra 61 văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện 12 văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 109 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 783 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 6.776 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Trong năm đã tham mưu tổ chức 6 cuộc sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tuyên truyền các văn bản pháp luật mới đến cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với nội dung đánh giá công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2020 và tổng kết thực hiện các đề án phổ biến giáo dục pháp luật.
Hiện nay 21 đơn vị cấp huyện có 3.814 tổ hòa giải với 26.016 hòa giải viên. Tính đến tháng 11/2020 đã tiếp nhận 3.691 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành 2.572 vụ (đạt tỷ lệ 69,7%), trong đó đã hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, tạo niềm tin, uy tín trong nhân dân.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm đạt nhiều kết quả. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác lý lịch tư pháp được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức; đã cấp 32.523 phiếu lý lịch tư pháp, xóa án tích cho 818 trường hợp.
Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp được tăng cường. Lĩnh vực đấu giá tài sản các tổ chức bán đấu giá tài sản được đẩy mạnh. 10 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện 1.155 cuộc đấu giá, 832 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, giá bán chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 867 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng.
Cần khẳng định vai trò trong công tác thẩm định, tham mưu ban hành văn bản
Tại hội nghị, cán bộ, công chức Sở Tư pháp đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập như: Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn một số văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa hiệu quả ở vùng sâu vùng xa; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chậm; công tác xã hội hóa lĩnh vực giám định tư pháp còn gặp nhiều khó khăn...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận kết quả trong năm qua mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức thuộc Sở Tư pháp đã đạt được.
Đồng thời nêu rõ, ngành Tư pháp cần khẳng định hơn nữa vai trò trong công tác thẩm định, tham mưu ban hành văn bản, tập trung đào tạo cán bộ làm công tác văn bản phải chuyên sâu, vừa nắm rõ các quy định của pháp luật, vừa hiểu biết về đời sống kinh tế xã hội để những cơ chế chính sách được đảm bảo thống nhất, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút lôi cuốn người dân tham gia. Thắt chặt hơn nữa việc quản lý công tác đấu giá tài sản, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất, tránh hiện tượng tiêu cực xảy ra gây mất trật tự an ninh xã hội, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, hiện nay đã thành lập Hội công chứng tỉnh Nghệ An, do đó Hội cần phát huy vai trò của mình, các tổ chức hành nghề công chứng phải liên kết với nhau thông qua phần mềm quản lý công chứng, để từ đó tránh việc công chứng hợp đồng, giao dịch trái pháp luật, ngăn ngừa rủi ro cho các công chứng viên.
Cần có sự phối hợp, gắn kết thực hiện các phần mềm trong quản lý hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, chứng thực nhằm giảm tải việc phải đến từng địa phương để xác minh, không phải đi lại nhiều lần, tìm mọi biện pháp để góp phần cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.