Tại điểm cầu Nghệ An có sự tham gia của đại diện lãnh đạo: Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp; Phòng kỹ thuật hình sự, Trung tâm Pháp y tỉnh và các giám định viên tư pháp.
Tuy nhiên, quá trình thi hành bộc lộ rõ một số khó khăn, vướng mắc do luật chưa quy định cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định cũng như trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định còn chưa rõ ràng.
Từ những yêu cầu trên, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Luật sửa đổi, bổ sung 1 điều mới; sửa đổi, bổ sung 8 điều.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ và cụ thể về trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lựa chọn người có tiêu chuẩn để đề nghị bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan mình và tương tự Viện Kiểm sát có quyền miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc cơ quan mình để đảm bảo nguyên tắc thẩm quyền quản lí về giám định kỹ thuật hình sự.
Luật mới còn tập trung vào các nội dung cơ bản như: phạm vi của giám định tư pháp; thủ tục bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; quy định rõ lại về quyền, nghĩa vụ của giám định viên tư pháp; nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp; thời hạn giám định; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với công việc giám định tư pháp. Với tính chất đặc thù và thực tiễn công tác giám định tư pháp, để triển khai có hiệu quả Luật này, ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1450/QĐ-TTg 2020 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.