Thông thường ở các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) khi có vấn đề gì đó cần phải quyết là đều lấy ý kiến của các sở, ban, ngành. Việc này thường kéo dài rất lâu do phụ thuộc quá trình công văn đi, đến, tiếp nhận và hồi đáp. Sau khi nhận đủ ý kiến của các sở, ban, ngành... thậm chí cả các bộ, ngành trung ương thì mới ra quyết định được. Như thế khiến quy trình thủ tục hành chính của địa phương thường kéo dài, ảnh hưởng lớn đến cơ hội, thời gian của doanh nghiệp.
Các vị khách mời thảo luận với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga Nêu vấn đề này lên, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Cơ chế xin ý kiến "cả làng" có trương hợp khi đa số sở, ngành đã đồng ý, chỉ riêng một sở không đồng ý thì doanh nghiệp lại phải chạy qua chạy lại sở đó, gây phiền phức, thiệt đơn thiệt kép cho doanh nghiệp. Theo ông Dũng, cơ chế "cả làng" quyết như vậy sẽ không thể nhanh được, và lãnh đạo địa phương cần suy nghĩ vấn đề này.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thừa nhận rằng: Không chỉ các sở, ngành trả lời chậm mà việc xin ý kiến của các bộ, ngành cũng khá mất thời gian, ảnh hưởng đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính của địa phương.
Giải quyết thủ tục hành chính một cửa ở Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Trân Châu Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Cục Trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết: "Ngoài việc trả lời rất chậm của các sở, ban ngành thì hiện nay đường công văn giấy tờ của chúng ta rất chậm, văn thư đơn vị này chuyển xuống đơn vị kia ít nhất cũng mất 2 ngày. Trong khi tôi thấy chúng ta có thể xử lý qua đường thư điện tử rất nhanh. Nếu lãnh đạo các đơn vị nắm rõ các ứng dụng công nghệ thông tin, thì có thể xử lý nhanh rồi chuyển ngay cho chuyên viên. Do vậy, ứng dụng tốt việc công nghệ thông tin rất có giá trị và giúp cải cách hành chính hữu hiệu. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp giảm bớt họp hành, tiết kiệm thời gian, chi phí".
Từ nội dung thảo luận, ông Nguyễn Hữu Hạnh cũng khuyến nghị các địa phương cần có quy trình hóa, và thống nhất hóa quy trình ấy bởi hiện nay nhiều nơi có quy trình rồi nhưng quy trình không chuẩn, hoặc chỉ thực hiện hình thức. Có quy trình thủ tục rồi phải quan tâm đến các yếu tố để vận hành. Trong đó con người là yếu tố rất quan trọng. Cũng cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để họ hoạt động tốt; còn đối với người dân, doanh nghiệp sử dụng hệ thống thì cần phải được tiếp cận với các quy trình, thủ tục một cách thuận lợi, dễ dàng.
Thông tin thêm được ông Nguyễn Hữu Hạnh đưa ra là hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng mô hình chính quyền điện tử cấp tỉnh, mô hình điện tử cấp huyện và khi thành công sẽ là mô hình cho các địa phương học tập.
Về vấn đề này, đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, thủ tục hành chính ở Nghệ An hiện đã công khai rõ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ, thủ tục đang gây phiền phức cho người dân và doanh nghiệp; thứ hai là việc lỗi hẹn trả kết quả làm mất thời gian của doanh nghiệp. Nghệ An đang chấn chỉnh tình trạng này và trước hết là ở khâu công tác cán bộ và truy trách nhiệm của người đứng đầu./.