Chiều 17/3, đoàn công tác của tỉnh Long An do đồng chí Phạm Văn Rạnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu có chương trình công tác tại Nghệ An để nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm công tác thu hút đầu tư, triển khai dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng đi có đồng chí Trần Văn Cần - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tỉnh Long An.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Viết Thanh - Bí thư Thành Ủy Vinh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Theo đó, những năm gần đây, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực; có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào Nghệ An như: Tập đoàn TH, Tập đoàn VSIP, FLC, Vingroup, Hemaraj,…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cũng thông tin về các định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến năm 2020: Phấn đấu thu hút được khoảng 400 dự án/ với số vốn đăng ký đạt từ 100.000 - 120.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn FDI khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 30.000 - 35.000 lao động.
Khẳng định thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian qua, tỉnh áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng cao nhất về quyền lợi và thực hiện nhiệm vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật.
“Cùng với đó, tỉnh có nhiều đổi mới trong xúc tiến đầu tư, ngoài tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư thường niên vào dịp đầu năm mới được tỉnh duy trì trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp đi xúc tiến đầu tư tại các nước thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… và các thị trường mới như Úc, Hồng Kong, Đài Loan…; tiếp tục mở rộng sang các nhà đầu tư đến từ Châu Âu”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh.
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp 230 nghìn tỷ đồng. Hiện Long An có 28 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp với diện tích 10 ha. Long An hiện có trên 9.600 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 233 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 900 doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư trên 5,6 tỷ USD.
Tỉnh Long An xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay Long An chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là chế biến nông sản.
Lãnh đạo tỉnh Long An bày tỏ mong muốn trao đổi học tập kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An trong chính sách thu hút đầu tư, kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, thành lập Ban quản lý khu kinh tế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định với sự đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao, giá trị đầu ra sản phẩm nông nghiệp ổn định, tăng thu nhập cho người dân.
Về công nghiệp, tỉnh có 3 khu công nghiệp, đó là Khu công nghiệp VSIP được đầu tư hạ tầng bài bản, đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và KCN Hoàng Mai thu hút các doanh nghiệp Nhật đang có triển vọng tốt; Khu công nghiệp Hemaraj vừa mới khởi công xây dựng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh mong muốn sau chuyến công tác này hai tỉnh thường xuyên kết nối để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau từ lãnh đạo tỉnh cũng như giữa các sở, ngành hợp tác trên các lĩnh vực, góp phần đẩy nhanh vào sự phát triển chung của hai tỉnh.