1510269_1482019.jpg

Việc đầu tiên nên làm khi xe ô tô bị chết máy giữa đường là nên bình tĩnh đưa phương tiện vào lề đường trước khi chiếc xe dừng lại hoàn toàn, tuyệt đối không để xe dừng ở làn trái ngoài cùng trên đường cao tốc. Bật đèn cảnh báo và đặt biển cảnh báo trước hoặc sau chừng 100m để các phương tiện khác chú ý.

Sau đó, bạn có thể kiểm tra qua các bộ phận cơ bản để xác định nguyên nhân xuất phát từ đâu bằng cách mở nắp ca-pô của xe (chú ý máy nóng), kiểm tra các loại nước như nước làm mát, dầu trợ lực, que thăm dầu xem mức dầu máy như thế nào, các cực ắc quy có bị lỏng, nhìn dây điện xem có chuột cắn không… Bước tiếp theo là có thể kêu gọi sự trợ giúp từ các xe khác hoặc tiệm sửa xe gần nhất hay gọi cho các dịch vụ cứu hộ.

Tuy nhiên, Bạn cũng cần biết một số nguyên nhân chính gây nên hiện tượng chết máy đột ngột giữa chừng để tham khảo và có thể kiểm tra trên chính chiếc xe của mình khi có sự cố.

Chết máy vì hết xăng

Nghe thì hơi buồn cười nhưng có những trường hợp các thành viên của khá nhiều group trên facebook đăng tin cầu cứu xin hỗ trợ nhiên liệu khi xe bị chết máy giữa đường. Nhiều người mải lái xe mà quên mất để ý lượng nhiên liệu còn lại trong bình với quãng đường dự định sẽ đi, cũng như quên mất cảnh báo khi sắp hết nhiên liệu. Việc để hết nhiên liệu dẫn đến chết máy sẽ rất nguy hiểm, có thể gây hỏng bơm xăng.

Do hết nước làm mát

Sự cố hết nước làm mát cũng khá phổ biến, nhiều người đi xe không hề kiểm tra định kỳ nước làm mát hoặc chủ quan không để ý vì bị rò rỉ. Điều này khiến hệ thống giải nhiệt gặp sự cố, quạt làm mát không hoạt động gây nóng máy, bó máy. Hậu quả là có thể bạn phải bỏ tiền để đại tu với chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Một nguyên nhân khác cũng có thể do chất lượng nước làm mát bạn dùng kém gây đóng cặn, tắc hoặc chức năng làm mát bị vô hiệu.

Đề phòng nguyên nhân này, bạn chỉ cần nhớ kiểm tra nước làm mát định kỳ và quan sát đồng hồ đo nhiệt nước làm mát ở bảng đồng hồ ngay trước vô-lăng. Khi thấy đèn cảnh báo hoặc nhiệt độ tăng vọt (hoặc kim lên vị trí H) thì cần dừng ngay xe lại, bật nắp ca-pô kiểm tra. Nếu thấy còn nước làm mát mà bị sôi thì để máy chạy không tải và tắt điều hòa, lúc này nước được bơm tuần hoàn sẽ nguội nhanh hơn, còn nếu thấy cạn nước thì tắt máy.

Không kiểm tra dầu thường xuyên

Đừng rập khuôn đợi số km xe đã chạy từ 5.000–10.000km mới thay dầu vì đi 5.000km trên cao tốc khác hẳn với 5.000km trong đường phố nội đô đông đúc. Nhiều chủ xe lại dùng loại dầu kém chất lượng dẫn đến cháy dầu hoặc đóng cặn trong động cơ, nhiều trường hợp rò rỉ dầu cũng gây cạn hết dầu máy. Khi xe bị hết dầu cũng gây bó máy, gãy tay biên dẫn đến chi phí sửa chữa rất tốn kém.

Khi đèn cảnh báo áp suất dầu động cơ nháy sáng trên bảng đồng hồ, lúc đỗ xe nếu có dầu nhỏ xuống nền bạn nên kiểm tra xem có hao hụt dầu không.

Không nổ máy vì mất điện

Không có điện vào khoang máy thì dĩ nhiên là không nổ được máy. Sự cố về điện có thể đến từ hệ thống bu-gi, dây cao áp, nguồn cấp điện. Hệ thống đánh lửa hỏng có thể do sử dụng quá lâu (bu-gi quá lâu không vệ sinh thay thế), xe ngập nước hay chuột cắn dây điện.

Thông thường thì đèn báo lỗi động cơ sẽ bật sáng, nhưng cũng có trường hợp mất điện nguồn làm bơm nhiên liệu không hoạt động, động cơ chết đột ngột mà không có dấu hiệu trước đó.

Kim phun không được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ

Kim phun có chức năng phun nhiên liệu vào buồng đốt để gây nổ, nếu cặn bẩn bám vào các lỗ phun và bộ lọc phun lâu ngày không được vệ sinh bảo dưỡng cũng gây tắc. Hậu quả có thể gây chết máy bất ngờ, chứ không gây hỏng hóc nặng nề, vì thế kim phun cần được bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ. 

Dấu hiệu nhận biết là máy yếu hơn, có thể bị rung giật hoặc chết máy khi tăng ga. Bạn cũng cần chú ý đổ nhiên liệu ở những cây xăng có uy tín.

Chết máy vì tắc lọc nhiên liệu

Thực tế là nhiên liệu có chứa rất nhiều cặn bẩn. Sau thời gian dài không được thay thế, lọc nhiên liệu có thể bị tắc, khiến nhiên liệu không được bơm lên động cơ, gây chết máy. Bộ phận này bị tắc còn có thể làm hỏng bơm nhiên liệu do bơm phải làm việc quá tải trong điều kiện thiếu nhiên liệu và không được làm mát đầy đủ. Cần thay mới khi lọc đã bẩn. Dấu hiệu báo trước là động cơ nóng hơn bình thường, không “bốc”, thậm chí rất yếu hoặc chết máy khi tăng ga.

Hư hỏng bộ phận bơm xăng/bơm dầu

Bơm nhiên liệu có thể sẽ “chết” đột ngột do người sử dụng thường xuyên để cạn nhiên liệu. Hầu hết các loại xe hiện đại, bơm nhiên liệu được ngâm trong bình nhiên liệu, được bôi trơn và làm mát bằng chính nhiên liệu trong bình, nên có thể sẽ nóng và hỏng khi nhiên liệu quá cạn. Bơm hỏng sẽ gây chết máy đột ngột do nhiên liệu không được cung cấp cho buồng đốt. Vậy nên hãy tạo thói quen kiểm tra nhiên liệu và không lái xe đường dài khi xe gần cạn nhiên liệu.