Đèn pha là một bộ phận không thể thiếu, sử dụng đèn pha đúng cách và có văn hóa không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà cả những người xung quanh.
 
Xe ô tô trang bị cụm đèn pha chiếu sáng vào ban đêm, nhất là ở những đoạn đường di chuyển với tốc độ cao, cần khoảng quan sát rộng nhằm tạo thêm điều kiện giúp tài xế xử lý kịp thời trên đường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sủ dụng đèn pha không đúng cách sẽ gây cản trở cho những lái xe đi ngược thậm chí là mất an toàn.
resize_images1460311_1.jpg
Dưới đây là một số thủ thuật nhỏ giúp tài xế xử lý nếu bị đèn pha chiếu vào mặt khi đang lái xe.
Nhá đèn ra hiệu
 
Ở những đoạn đường trường, đèn pha được khuyến cáo sử dụng nhưng cũng có không ít lái xe trong nội đô lại không tuân thủ quy định vẫn bật đèn pha, điều này tạo ra ác cảm với các lái xe đi ngược chiều.
 
Cách xử lý thông thường vẫn là người lái bị chói pha nên chủ động nhá đèn ra hiệu bằng nút nháy đèn pha cho xe chiếu đối phương biết để điều chỉnh qua đèn cốt hoặc tắt đèn pha, tránh việc dùng còi.
 
Buông ga rà thắng
 
Trong trường hợp, dù đã ra hiệu bằng cách nháy đèn từ xa và thậm chí cũng thử bấm còi nhưng lái xe đối diện hoặc sau lưng không hề hay biết thì để đảm bảo an toàn, tránh những tình huống bất ngờ do bị chói đèn pha vào mắt, lái xe cần tập trung quan sát, buông chân ga rà thắng vừa để báo hiệu cho các xe phía sau rằng xe đang giảm tốc, vừa để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. 
 
Kiểm soát tốc độ
 
Nếu người lái áp dụng một trong hai cách trên thì cũng phải nhớ điều chỉnh tốc độ di chuyển xe sao cho phù hợp và giữ đúng khoảng cách với xe đi cùng chiều. Bên cạnh đó, lái xe cần hạn chế  vượt trong trường hợp tầm nhìn kém, khó quan sát.
 
Riêng trường hợp đứng chờ đèn đỏ hoặc bị ùn tắc thì cách tốt nhất là nên nhường đường để xe chiếu pha đi qua trước vì dù là chậm vài giây nhưng sự an toàn vẫn là trên hết.
 
Lưu ý rằng các cách này chỉ áp dụng ở những đoạn đường không có dải phân cách, dải phân cách khá thấp hoặc trong nội thành.
 
Theo VnExpress