Kênh QPVN vừa phát sóng phóng sự về công tác huấn luyện chiến đấu tại Tiểu đoàn tên lửa chống tăng 371 - Binh chủng Pháo binh với B72.

B72 là loại tên lửa chống tăng hiện đang được biên chế trong Quân đội Việt Nam. Tên lửa được trắc thủ bắn điều khiển bằng tay qua hệ thống hữu tuyến. Chính vì vậy, độ chính xác bắn của tên lửa phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm của trắc thủ cũng như các điều kiện khách quan như thời tiết, địa hình…

Chính vì vậy, công tác huấn luyện bắn tên lửa chống tăng B72 có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện trong quân đội ta vẫn chưa có hệ thống trang thiết bị phù hợp để phục vụ huấn luyện bắn loại tên lửa này.

images1993416_cach_viet_nam_su_dung_sang_tao_voi_ten_lua_b72_2743520.jpgTên lửa chống tăng B72 trong Quân đội Việt Nam.

Trước thực tế này, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đã triển khai dự án nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn tên lửa chống tăng B72. Hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn tên lửa chống tăng B72 được xây dựng trên cơ sở dữ liệu bản đồ số và mô hình địa hình đa lớp, có tính đến các yếu tố tác động bên ngoài sát với điều kiện thực tế.

Sản phẩm có khả năng mô phỏng gần như thật quá trình điều khiển tên lửa từ khi bắt đầu phóng đến khi chạm mục tiêu, có đánh giá kết quả và có thể dùng để huấn luyện bắn tên lửa chống tăng B72 trong nhiều điều kiện như địa hình phức tạp, địa hình thành phố, địa hình đồi núi, bắn trên biển…

Hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn tên lửa chống tăng B72 đã được trang bị cho các đơn vị pháo binh toàn quân. Tên lửa B72 (tên gọi tại Việt Nam) 9M14 Malyutka hay được gọi là 9K11 (NATO định danh là AT-3 Sagger) - loại tên lửa chống tăng mạnh nhất trong những năm 1962 - 1970 do Liên Xô sản xuất.

Được sản xuất dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ AT-1/2 nên Malyutka có nhiều ưu điểm như kích thước nhỏ gọn hơn nhưng sức xuyên vẫn được đảm bảo. Theo biên chế của Liên Xô, mỗi trung đội B72 có 2 tổ, mỗi tổ có 2 khẩu đội.

Trong mỗi khẩu đội, ngoài xạ thủ chính điều khiển tên lửa còn có 1 xạ thủ phụ sử dụng súng chống tăng RPG-7 để khống chế khoảng cách 500m mà tên lửa không phát huy được tác dụng. Tuy nhiên khi vào Việt Nam năm 1972, kiểu biên chế này bị bãi bỏ mà không hề làm giảm sức chiến đấu của B72.

B72 có thể mang vác hoặc lắp đặt trên các loại xe chiến đấu bộ binh như BMP-1, BRDM-1/2... Khi mang vác, tên lửa được đặt trong một va li mà lúc chiến đấu chính là bệ phóng 9P111. Xạ thủ sẽ sử dụng bộ điều khiển 9S415 để lái tên lửa đến mục tiêu bằng cách truyền tín hiệu qua dây dẫn.

Sự xuất hiện tên lửa chống tăng B72 đã làm quân đội VNCH choáng váng. B72 đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và vô hiệu hóa lực lượng tăng thiết giáp của Mỹ – VNCH thời đó.

Đặc biệt, B72 đã làm cho hàng loạt cỗ xe tăng bất khả xâm phạm thời đó là M48A3 phải tan xác trên chiến trường. Mặc dù Nga đã thay thế B72 bằng các loại tên lửa chống tăng hiện đại hơn nhưng B72 tại Việt Nam vẫn tiếp tục được nâng cấp và trở thành vũ khí chống tăng chủ lực.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN