Nguyễn Văn T, ở Tân Tiến, Hải Hưng, sau khi uống rượu ở đám ăn hỏi về vẫn đi làm bình thường. 9h sáng hôm sau, ông đứng dậy và không nhìn thấy gì...
Bệnh nhân ngộ độc rượu do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có hàm lượng độc tố rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Mối nguy ngại từ ngộ độc rượu
Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện ngộ độc rượu do ethanol và methanol (cồn công nghiệp). Trường hợp ông Nguyễn Văn T, ở Tân Tiến, Hải Hưng, sau khi uống rượu ở đám ăn hỏi về vẫn đi làm bình thường. 9h sáng hôm sau, ông đứng dậy và không nhìn thấy gì. Gia đình đưa ông đến BV Hưng Yên khám, được chẩn đoán là bị ngộ độc rượu công nghiệp và chuyển thẳng tới Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.
Chị Nguyễn Thị H. con gái ông T cho biết: “Trường hợp của bố tôi rất nặng vì nồng độ methanol trong máu rất cao, phải điều trị lâu dài nhưng mắt thì hỏng rồi. Bảo hiểm không chi trả cho trường hợp ngộ độc rượu bởi do bệnh nhân tự gây nên. Hôm lên viện, gia đình tôi vay mượn được hơn 20 triệu đồng, mới sau một ngày điều trị số tiền đã gần hết”.
Còn trường hợp ông Lưu Văn N, 71 tuổi, ở Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội mua rượu ở đầu làng về uống. Thấy ông ngất lịm khi trên tay vẫn cầm chai rượu, gia đình liền đưa ông đi viện. Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Lưu Văn N, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, ông N nhập viện trong tình trạng hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tình trạng ngộ độc do nhiễm methanol nặng. Sau 6 ngày được lọc máu ông Lưu đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, thị lực của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn và phải điều trị rất tốn kém, kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng
Theo TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, thường bệnh nhân vào viện được phát hiện khi thấy mờ mắt sau khi uống rượu sau 1-2 ngày.
Bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol nhẹ thì ả̉nh hưởng đến thị lực, nặng thì ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận… rất dễ dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân qua cơn nguy kịch cũng để lại di chứng nặng nề.
Còn với bệnh nhân ngộ độc do ethanol, nhẹ thì bị ức chế thần kinh trung ương gây kích thích, phấn chấn, nói nhiều, không làm chủ được bản thân khi điều khiển phương tiện giao thông; nặng thì gây tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, có thể ngừng thở, gây hạ đường máu, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày…
Với người bị bệnh xơ gan, tim mạch, cao huyết áp, chỉ cần đưa vào cơ thể một lượng rượu ethanol nhỏ (từ 30 - 100ml) cũng có thể dẫn tới ngộ độc cấp tính, đe dọa tính mạng. Trong trường hợp ngộ độc rượu mãn tính, người uống sẽ bị hoảng loạn tinh thần, nhân cách thay đổi lệch lạc, thậm chí bị hoang tưởng, ảo giác, có hành động nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cách nhận biết và sơ cứu
Theo thống kê từ các bệnh viện, dịp trước và sau Tết Nguyên đán, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu gia tăng. Nhiều bệnh nhân nhập viện đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận.
Theo TS. Nguyễn Kim Sơn, không nên để người uống rượu say ngủ quá lâu, nếu không thấy tỉnh phải đưa ngay bệnh nhân đến viện. Để tránh ngộ độc, tốt nhất là không nên uống nhiều rượu. Không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc. Uống rượu có tính chất khai vị, uống ít để kích thích ăn uống, chứ không phải uống đến no.
Theo TS Sơn, ethanol là chất gây ức chế, làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol. Nhiễm độc methanol nặng gây rối loạn tiêu hóa, nôn máu, hôn mê, co giật, co cứng toàn thân, tụt huyết áp, rối loạn hô hấp, phù phổi cấp và tử vong nhanh chóng. Khi bị ngộ độc ethanol và methanol, từ 30 phút - vài giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh, nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong.
TS Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo: Để phòng ngộ độc rượu, khi uống nên chọn loại rượu có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống trong chừng mực cho phép: một ngày không được quá 3 đơn vị rượu đối với nam giới và không quá 2 đơn vị rượu đối với nữ giới (1 đơn vị rượu tương đương 10gr rượu = 1 lon bia 330ml = 100ml rượu vang = 30ml rượu mạnh Voska). Trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn để tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét.
Theo VOV.VN