Với trẻ có nguy cơ bị tăng cân, cha mẹ cần chú ý hạn chế trẻ ăn bánh mứt kẹo, nên thay bằng quả chín ít ngọt như bưởi, cam, dưa hấu... Đồng thời, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh luộc như su hào, bắp cải, su su.
Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết, Tết là dịp mọi người vui chơi, gặp gỡ nhưng kèm theo đó là những tiệc liên miên. Chúng có thể khiến bạn thấy mệt mỏi, tăng cân, thậm chí thêm bệnh...
Dưới đây, bác sĩ Hải đưa ra một số lời khuyên về chế độ ăn uống phù hợp cho từng nhóm:
1. Trẻ
Chế độ ăn uống hàng ngày đối với trẻ là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ. Đặc biệt, trong những ngày Tết, việc này lại càng quan trọng hơn vì việc ăn uống của trẻ sẽ bị xáo trộn nhiều.
Một số trẻ biếng ăn, lười ăn do ăn uống không điều độ sẽ bị sút cân, suy dinh dưỡng sau Tết, thậm chí bị rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều hoặc ăn phải thực phẩm ôi thiu để lâu ngày. Ngược lại, có trẻ lại tăng cân quá mức dẫn đến thừa cân, béo phì. Những trẻ này thường ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt và các món ăn giàu béo, đạm. Cũng vì thế, thường sau Tết, số trẻ đến khám do biếng ăn hoặc thừa cân tăng hơn.
Để tránh tình trạng trên, cha mẹ cần chú ý:
- Với trẻ còn đang ăn bột, cháo thì cố gắng tuân thủ đúng các bữa ăn như ngày thường. Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn. Vì như thế, sẽ làm trẻ thấy ngang dạ, không ăn được các thức ăn trong bữa chính, dẫn đến biếng ăn và suy dinh dưỡng.
- Đối với trẻ có nguy cơ bị tăng cân-béo phì thì cần đặc biệt chú ý hơn. Dù là ngày Tết cũng nên hạn chế mua bánh mứt kẹo về nhà. Đồng thời nên cho trẻ ăn nhiều rau dưới dạng luộc vì ngày Tết đã quá nhiều thức ăn giàu chất béo và chất đạm.
2. Người lớn
Để tránh tăng cân trong dịp này, chị em cần thực hiện khẩu hiệu “thà lãng phí còn hơn béo phì “. Nói như vậy có nghĩa là không nên ăn cố, khi đã đủ no. Nhưng cũng để tránh lãng phí thì chỉ nên mua thực phẩm ở mức vừa phải, khi nấu ăn nên nấu ít món, số lượng vừa phải, chọn các món ăn ít béo.
Ngoài ra, không nên ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng như: giò thủ, giò mỡ, thịt đông mà thay bằng giò lụa hoặc chả quế. Tăng cường các món ăn từ cá: cá hấp, cá om canh dưa, thay tôm rán bọc bột bằng tôm luộc hoặc hấp.
Hạn chế ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán. Nếu ăn thì nên ăn bánh chưng luộc hoặc hấp lại cho nóng. Khi đã ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại thức ăn tinh bột khác. Không nên ăn cơm rang, hạn chế ăn nem rán mà thay bằng nem cuốn hoặc phở cuốn không dùng đến dầu mỡ. Ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như: su hào, bắp cải, bí xanh, susu…
3. Người mắc bệnh mạn tính
Những người mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng như: tiểu đường, mỡ máu, gút... càng cần chú ý vấn đề ăn uống trong ngày Tết. Trong đó, vẫn phải tuân thủ chế độ ăn kiêng, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, không ăn bánh mứt kẹo, hạn chế các món ăn nhiều mỡ béo, không uống cà phê, nước chè đặc.
Ngoài ra, nên uống nước quả tươi ép: nước cam, bưởi không đường, nước rau luộc. Với người thừa cân béo phì, tiểu đường, cao huyết áp nên uống nước ép các loại rau củ như: dưa chuột, củ đậu, cà rốt, cà chua... Đơn giản nhất là uống nước đun sôi để ấm, nước trà xanh.
Theo VnExpress