(Baonghean) -Năm học 2012-2013, Quỳ Châu không có học sinh Tiểu học bỏ học và chỉ có 9 học sinh THCS chưa đến trường. Đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về việc học còn nhiều hạn chế thì đây quả là một “kỳ tích”. Kỳ tích đó được tạo nên từ tấm lòng, sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên vùng cao...

Ngược đường rừng đến thăm Trường Tiểu học Châu Hội 1 (xã Châu Hội) vào những ngày cuối tháng 9, khi năm học mới được gần 1 tháng. Ngôi trường 2 tầng khang trang, bề thế nổi bật giữa núi rừng khiến tôi ngỡ ngàng. Điều đáng ngạc nhiên hơn là đầu năm học này, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp đạt 100%, không có tình trạng học sinh bỏ học sau hè. Cô Nguyễn Thị Minh Huyền- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đứng chân trên địa bàn vùng khó, toàn trường có 282 học sinh thì học sinh thuộc diện hộ nghèo là 253 em (chiếm gần 90%). Những năm trước, học sinh bỏ học vì nghèo đói khá đông... Trước tình hình đó, các thầy cô giáo trong trường đã có những sáng kiến tiếp sức cho học sinh đến trường”. Vào đầu mỗi năm học, nhà trường phát động phong trào thi đua làm việc tốt, mỗi giáo viên đăng ký giúp đỡ 1 học sinh nghèo bằng nhiều hình thức: nhận phụ đạo, kèm cặp ngoài giờ; nhận mua sách vở, áo quần; nhận nấu cơm cho học sinh vào buổi trưa, nhận đưa đón học sinh đến trường... Cô giáo Vi Thị Lan, chủ nhiệm lớp 4B, năm học trước nhận đỡ đầu em Vi Thị Hải Nhi, bố mẹ ly hôn, Nhi ở với ông bà nội đã già yếu. Thiếu vắng tình yêu thương của bố mẹ, ông bà không có tiền mua sách vở, áo quần cho Nhi đến trường nên em đã có ý định bỏ học. Qua tìm hiểu, cô giáo Lan biết được hoàn cảnh của Nhi nên đã nhận giúp đỡ. Hằng ngày, cô đến nhà chở Nhi đi học, mua cho Nhi sách vở, đồ dùng học tập. Ở trường, vào giờ ra chơi, cô tranh thủ chỉ bảo cho Nhi giải Toán, luyện viết. Tuần 3 bữa cô đưa Nhi về nhà mình, dạy Nhi những việc vặt trong gia đình, chia sẻ cùng em những khó khăn trong cuộc sống bằng tình yêu thương của người mẹ hiền. Chính sự quan tâm tận tình, sự chăm sóc ân cần đó đã khích lệ Nhi vượt qua khó khăn, trở thành “con ngoan trò giỏi” của trường.

782622_small_82790.jpg

Cô giáo Vi Thị Thủy Anh, Trường Tiểu học Châu Hội 1 giới thiệu “Góc cộng đồng” cho học sinh.

Trong tổng số gần 300 học sinh theo học tại Trường Tiểu học Châu Hội 1, có 80 học sinh ở các bản xa trung tâm xã 5 - 7 km phải mang cơm ăn để ở lại trường vào buổi trưa. Những cặp lồng của các em chỉ có cơm và ít rau, măng, muối trắng. Thương các em ăn không đủ chất để học, giáo viên trong trường tự nguyện trích mỗi tháng 30.000đ từ tiền lương của mình để tổ chức “Bữa cơm tình thương” tại trường cho các em. Các thầy tự tay đóng phản gỗ, mua chăn, chiếu phục vụ các em nghỉ trưa tại trường. Nhờ tấm lòng của thầy cô, các em được ăn những bữa cơm sốt dẻo, có đủ rau, dưa, thịt cá nên đảm bảo sức khỏe theo học ngày hai buổi. Ở các điểm lẻ của trường như: điểm trường bản Xớn (cách trung tâm xã 20 km), điểm trường bản Khun (cách trung tâm xã 8 km) phải học lớp ghép, đi lại khó khăn nhưng cũng không có em nào bỏ học. “Năm học này, Quỹ “Nguồn Sáng” đã hỗ trợ cho nhà trường 5 tạ gạo cùng áo quần, sách vở. Có gạo, nhà trường sẽ kêu gọi giáo viên quyên góp tiền mua thức ăn nấu cơm cho học sinh.

Không chỉ ở Trường Tiểu học Châu Hội 1, mà ở Quỳ Châu, phong trào tiếp sức cho học sinh đến trường đã phát triển mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Đầu năm học mới 2012-2013, Trường Tiểu học Châu Bình 1 đã phát động phong trào “3 đủ” trong cán bộ, giáo viên và phụ huynh, chính quyền địa phương. Toàn trường đã quyên góp được trên 4 triệu đồng tiền mặt tặng học bổng cho 27 học sinh; hỗ trợ 1.500 kg gạo, 75 bộ quần áo, 450 cuốn sách cũ cho học sinh nghèo, đảm bảo “đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở” cho các em đến trường. Mô hình “Bữa ăn đầm ấm” do giáo viên góp tiền, góp gạo phục vụ các em được duy trì. Năm nay, 30 em học sinh ở xa được phục vụ cơm trưa miễn phí. Ngoài ra, phong trào tình nguyện dạy kèm học sinh yếu được 100% giáo viên hưởng ứng. Trung bình, mỗi tuần mỗi giáo viên đảm nhận phụ đạo 2 tiết dạy miễn phí cho học sinh, nhiều giáo viên còn đưa học sinh về nhà kèm cặp, hướng dẫn các em tự học. Nhờ đó, số học sinh yếu kém của trường giảm dần qua từng năm. Đặc biệt, trước đây học sinh thường nghỉ học sau Tết khá dài mới quay lại trường. Nguyên nhân là do các em mải mê với các trò chơi lễ hội mà quên bẵng việc học. Nhằm khắc phục vấn đề này, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Hội đồng Đội đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Những trò chơi như: ô ăn quan, ném còn, kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo... được tổ chức sôi nổi vào các buổi ra chơi giữa giờ, giáo viên cùng chơi với học sinh đã tạo nên sự gần gũi, thân thiện...

Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 có trên 300 học sinh, trong đó có 20 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi bố hoặc mẹ. Để các em được đến trường đều đặn, mỗi thầy, cô giáo ở đây ngoài nhiệm vụ dạy học còn làm việc của một tuyên truyền viên, đến tận từng gia đình vận động, phổ cập giáo dục. Mặc dù hoàn cảnh của 16 giáo viên còn khó khăn nhưng các buổi trưa trong tuần, các thầy cô đều trích phần lương của mình để bổ sung thêm bữa ăn cho các học sinh. Để động viên các em vươn lên trong học tập, nhiều thầy, cô giáo còn bỏ tiền túi mua sách vở, áo trắng tặng trò.

Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu có đến 5 trường tổ chức mô hình “Bữa cơm tình thương” tại trường cho học sinh; 100% các trường học trên địa bàn phát động phong trào thi đua “làm việc tốt” vì học sinh. Trong năm học 2011-2012, toàn ngành huy động được 192 triệu đồng từ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu trong phong trào này có các giáo viên: Sầm Thị Kiều, giáo viên Trường THCS Bính Thuận, gia đình còn nhiều khó khăn, với đồng lương ít ỏi của giáo viên nhưng cô vẫn nhận nuôi 2 học sinh 4 năm liền; cô Trần Thị Tú Anh (giáo viên Trường THCS Hạnh Thiết), chồng công tác xa nhà, con còn nhỏ nhưng vẫn cưu mang, nuôi 1 học sinh ăn học, bồi dưỡng kèm cặp 1 học sinh giỏi huyện, 1 học sinh giỏi tỉnh... “Phong trào bớt chi tiêu giúp đỡ học sinh nghèo được Công đoàn ngành Giáo dục huyện phát động từ năm học 2007-2008 và duy trì đều đặn cho đến nay. Trung bình mỗi tháng cán bộ, công chức của ngành đóng góp 30.000đ vào quỹ; ngoài ra, bản thân mỗi người tự đăng ký giúp đỡ một trường hợp cụ thể bằng những việc làm thiết thực. Nhờ đó, từ con số học sinh bỏ học năm 2006-2007 là xấp xỉ 200 em nay giảm xuống còn 9 em. Theo cô Nguyễn Thị Châu- Phó phòng Giáo dục huyện thì điều quan trọng không phải là số tiền huy động được hàng năm, số suất quà, số việc làm được hàng tháng, hàng ngày mà đáng quý là tấm lòng, là tình cảm, là tâm huyết của thầy cô dành cho học trò. Tấm lòng của những người giáo viên đã nuôi lớn những ước mơ cho học sinh, giúp các em vượt qua khó khăn trước mắt, phấn đấu học tập tốt.


THANH PHÚC