Tỏi không chỉ đơn thuần là một loại thực phẩm gia vị mà nó còn có nhiều đặc tính chữa bệnh.
 
Củ tỏi tươi có thể giúp chúng ta kháng khuẩn và virus, vì nó giúp phòng ngừa và chữa trị được bệnh cảm cúm và cảm lạnh thông thường, loại trừ nhiều vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây kháng thuốc trong cơ thể. Ngoài ra, tỏi còn chứa vitamin C, selen, magie, canxi, kali, mangan và flavonoids rất có lợi cho sức khỏe con người.

785879_small_86406.jpg

Nhiều nghiên cứu gần đây đã khẳng định việc ăn tỏi hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa huyết áp cao. Tỏi có chứa một hợp chất từ lưu huỳnh là allicin, có tác dụng tích cực trong bảo vệ, ngăn ngừa và chống lại các bệnh của hệ thống tim mạch như xơ vữa động mạch và cao huyết áp. Allicin có trong tỏi phản ứng với tế bào hồng cầu tạo thành các hợp chất giàu lưu huỳnh. Các hợp chất này làm giảm áp lực của các thành mạch máu giúp cho quá trình lưu thông máu nhanh hơn sẽ làm cho huyết áp không tăng lên và có thể giảm xuống mức bình thường.

Ngoài ra, nó cũng làm tăng việc sản xuất oxitnitric, có vai trò quan trọng trong vận chuyển ôxy trong máu. Do thành phần của tỏi có chứa chất chống ôxy hóa (vitamin C và selen) nên nó có tác dụng làm sạch máu, giảm cholesterol "xấu", ngăn ngừa việc hình thành các "mảng bám" trên các thành động mạch, giảm tối đa nguy cơ hình thành cục máu đông và các bệnh về hệ thống tim mạch làm cho huyết áp luôn được bình thường.

Bạn cần lưu ý rằng, khi thái nhỏ, đập nát hoặc nghiền tỏi thì cần để khoảng gần 10 phút trước khi sử dụng để cho lưu huỳnh có trong củ tỏi phản ứng với ôxy, tạo thành hợp chất allicin có tác dụng làm giảm huyết áp và điều trị một số căn bệnh khác. Một tép tỏi trung bình nặng khoảng 3gram, bạn có thể ăn thường xuyên hàng ngày và nhận được khoảng 5mgallicin một ngày. Đó là một hàm lượng đủ có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh khác và ổn định huyết áp.


Trần Hải - Theo Gia đình & Xã hội/ ANTG - NT