Với mạng lưới sông, suối phân bố dày đặc, Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy năng lớn. Thực tiễn, trên địa bàn tỉnh hiện đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 47 dự án thủy điện, với tổng công suất trên 1.407 MW.
Quá trình thực hiện quy hoạch, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Nghệ An đã rà soát, đánh giá, đề nghị Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch 15 dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 32 dự án thủy điện được quy hoạch, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành và vận hành phát điện; 12 dự án đã và đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai và 3 dự án chưa có chủ đầu tư.
Trên cơ sở giám sát trực tiếp tại một số dự án thủy điện ở Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương cũng như lắng nghe phản ánh từ cơ sở, các thành viên đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu lên nhiều trăn trở.
Ông Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ băn khoăn về chất lượng quy hoạch khi mà vẫn có 15 dự án đưa ra khỏi quy hoạch sau khi rà soát, đánh giá lại.
Ông Đặng Quang Hồng - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt ra vấn đề liên quan đến việc giám sát quy trình, quy chế vận hành hồ chứa các dự án thủy điện từ phía các cơ quan chức năng, đảm bảo an toàn vùng hạ lưu cũng như sinh thái.
Theo ông Hồng, giám sát cho thấy, ở dự án thủy điện Nậm Mô khi tích nước thì dòng sông khô cạn, khi xả đáy kéo theo một lượng lớn bùn, ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh và nguy cơ hạn hán vào mùa khô, sạt lở vào mùa mưa là hiện hữu.
Một số thành viên cũng quan tâm đến vấn đề trồng rừng thay thế các diện tích rừng bị mất khi triển khai các dự án thủy điện; hệ lụy từ các dự án thủy điện đối với hệ sinh thái và môi trường, đến sinh kế của người dân; vấn đề tái định cư; việc phối hợp giữa các ngành và địa phương với các chủ đầu tư trong xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các ngành và địa phương để đánh giá lại tổng thể việc thực hiện quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, bao gồm những tác động cực và tiêu cực, hệ lụy; làm rõ trách nhiệm của các huyện, chủ đầu tư và các ngành cấp tỉnh; từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập đang đặt ra cũng như các vấn đề dự báo sẽ ảnh hưởng trong thời gian tới.
Trực tiếp giải trình nhiều vấn đề mà đoàn giám sát nêu ra, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, công tác quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy trình, quy định. Ông Tám cho rằng, không thể lấy số lượng dự án được đưa ra khỏi quy hoạch để nói chất lượng quy hoạch không đảm bảo.
Giám đốc Sở Công Thương thông tin thêm, từ năm 2015 đến nay, Sở chưa tham mưu bổ sung quy hoạch dự án thủy điện nào. Liên quan đến hàng loạt tồn tại mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm, người đứng đầu Sở này cũng cho rằng, trách nhiệm thuộc về nhiều ngành và có cả các huyện và các chủ đầu tư dự án.
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, hệ lụy của các dự án thủy điện; đồng thời khẳng định, quá trình phê duyệt các dự án chưa đánh giá một cách đầy đủ những tác động tiêu cực, bằng chứng là nhiều hệ lụy đang tồn tại chưa có giải pháp, biện pháp xử lý dứt điểm.
Mặt khác, quá trình đầu tư các dự án thủy điện, vai trò quản lý Nhà nước của các ngành cũng chưa thật sự chủ động và làm hết trách nhiệm để giám sát, kiểm tra mà chủ yếu khi có vấn đề phát sinh được người dân và cơ quan báo chí phản ánh mới thành lập đoàn kiểm tra.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở Công Thương đánh giá việc khai thác và tận thu lâm - khoáng sản trong lòng hồ thủy điện; quan tâm phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu để xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người dân trong vùng lòng hồ và người dân ở các vùng di vén.
Sở cần tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành nhằm đánh giá một cách chính xác nhất chất lượng, hiệu quả đầu tư các dự án thủy điện, đưa ra đề xuất có hay không tiếp tục đầu tư các dự án thủy điện, tham mưu ban hành chế tài ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các ngành, các địa phương và chủ đầu tư trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án cũng như hậu tái định cư…