(Baonghean) - Đối với cô, không phải ca sỹ là người sang chảnh , yêu sách đòi hỏi gì, vì theo cô khi đi hát đám cưới mà ở đó người ta trân trọng giọng hát nhưng cát sê thấp thì vẫn đáng quý.  

Nghề chọn người

Trịnh Thị Lan Hương được biết đến là ca sỹ có khả năng hát hai dòng nhạc dân gian và thính phòng nhuyễn nhất hiện nay. Vì thế mà cô phù hợp với nhiều sân khấu lớn nhỏ từ những sự kiện chính trị đến những đám cưới làng quê...Ở đâu Lan Hương cũng cháy hết mình, cũng để lại những ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.

Lan Hương theo nghiệp hát như là lẽ đương nhiên, khi từ nhỏ cô đã là ca sỹ của trường, của khối phố và ẵm không biết bao nhiêu giải thưởng cho khu phố Trường Thi nơi cô ở. Từ hồi còn nhỏ xíu mà Lan Hương đã hát Bài ca hi vọng,  đã hát Xa khơi như ca sỹ chuyên nghiệp. Khi tham dự các liên hoan quần chúng ban giám khảo đều nghĩ  cô đã qua trường lớp đào tạo bài bản. Vì khi cô thể hiện, kỹ thuật thanh nhạc lẫn trong cảm xúc nhuần nhuyễn như là sự tự nhiên, như là đã được luyện tập nhiều năm.

images1918542_lan_hu_o_ng_3.jpgLan Hương hiện là ca sỹ hát dòng nhạc dân gian tại Đoàn ca múa dân tộc tỉnh. Ảnh nhân vật cung cấp

Đam mê âm nhạc và mong muốn được hát mãi được trở thành ca sỹ nên  năm 2002 cô quyết định nạp đơn thi vào Đoàn ca múa kịch Nghệ An. Đi thi với tâm thế được thì tốt không thì cũng là một lần trải nghiệm đáng nhớ, miễn là được hát cho những ca sỹ, nhạc sỹ tên tuổi nghe đã là một niềm vui, sự phấn khích...

Thế nhưng khi “Bài ca hy vọng” được cất lên bằng chất giọng trong sáng, cao vút, NSND Tiến Dũng bấy giờ đang là  Trưởng đoàn Ca múá kịch Nghệ An đã phải trầm trồ thốt lên: “Cháu học hát ở đâu chưa?” Lan Hương hồn nhiên: “bố cháu dạy hát cho cháu từ bé và chỉ dạy những bài cổ điển như thế thôi ạ”. “Vậy bố cháu là nhạc sỹ à, bố cháu đang công tác ở đâu” – “Không ạ, bố cháu chỉ là công nhân xây dựng thôi”.

Cả hội trường hôm đấy bật cười vì sự hồn nhiên chân thật của Lan Hương, nhưng cũng chính từ sự chân thành ấy mà cô là người đầu tiên được chọn vào đoàn cùng với Quế Thương. Câu chuyện thi thố để trở thành ca sỹ của cô cũng lắm “gian truân”! Khi đoàn đã quyết định chọn Lan Hương, nhưng sau 1 tuần gửi thư mời về nơi cư trú, vẫn không thấy cô nhập đoàn, NSND Tiến Dũng đã cử người đi đến tận nơi tìm cô.

“Khi anh Hải trong đoàn đến tận đầu ngõ nhà em thì gặp em, anh hỏi “có biết Lan Hương trong xóm này không”, em nói “chính là em đây, anh Hải vui mừng hết mức, rồi nói: “Vậy mà đoàn tìm em cả tuần rồi đấy”.

Dù hát dân gian hay thính phòng, cô đều thể hiện được bản sắc, cá tính của mình. Ảnh nhân vật cung cấp.

Quan trọng nhất là giọng hát ở lại trong lòng khán giả

Vào đoàn cô được gửi đào tạo tại Trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật và trong thời gian này cô vẫn đi tham gia biểu diễn phục vụ bà con miền núi. Lan Hương cũng là lứa học trò được NSUT Thu Hà xem như con, rút ruột để dạy cho cô những kỹ năng, kỹ thuật hơi thở, giữ cột âm thanh sao cho hát nhiều bài mà không mệt và không bị “đuối nốt”; đồng thời khi xử lý một ca khúc người hát cần nghiên cứu điều gì, đặt mình ở đâu, trong không gian nào.

Chính những bài học trên sân khấu, và cả những bài học sau cánh gà mà NSUT Thu Hà đã ân cần chỉ dạy cho cô mà cô đã nhanh chóng trưởng thành..  Cô là một trong rất ít những ca sỹ của Đoàn được bố trí nhiều ca khúc đinh, trong những chương trình sự kiện chính trị quan trọng khi tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ.

Nhắc đến sự kiện đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu vùng xa Lan Hương không khỏi xúc động  nhớ về một kỷ niệm khi hát ca khúc ru con của dân tộc Thái. “Lần đầu tiên thể hiện ca khúc bằng tiếng Thái cổ em đã phải nghiên cứu rất nhiều , thậm chí gặp nghệ  nhân để được dạy cho cách phát âm sao cho chuẩn, và đặc biệt cách luyến láy sao cho “ra” dân ca ru con của Thái”. Khi lên sân khấu phục vụ bà con Lan Hương đã nhận được những lời vỗ tay không ngớt. Một năm sau đoàn trở lại biểu diễn nhưng không có Lan Hương bà con đã tìm gặp trưởng đoàn và hỏi cô hát dân ca Thái hôm nay không lên à?”. Chỉ một lời hỏi han như thế đã tiếp thêm nhiên liệu cho cô trên chặng đường theo đuổi đam mê.

Đã vào đoàn được hơn 10 năm, Lan Hương cũng đã kịp có nhiều giải thưởng cho mình như giải ba Sao mai đài truyền hình Nghệ An dòng nhạc Dân gian 2007, HCV giọng hát hay của Bộ văn hoá Thể thao và du lịch 2005, 2015 HCB hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Thế nhưng đối với cô, giải thưởng là thứ không quá quan trọng mà sự ở lại trong lòng khán giả mới là điều cô ngày đêm rèn dũa trau dồi. Thời gian gần đây người ta thường hay thấy ca sỹ đi hát những even nhỏ, phục vụ lượng ít khán giả, hay hát đám cưới. Lan Hương cho rằng đó là điều dễ hiểu khi phần đông ca sỹ luôn muốn được thể hiện đa dạng nhiều loại hình sân khấu. Và qua đó cũng chính ca sỹ được thể hiện sự trung thành với nghề, với con đường mình đã chọn. Bởi, trong khi có nhiều thực khách mong muốn được thưởng thức nghệ thuật thực sự, thì cũng có nhiều người hợp đồng với ca sỹ chỉ để làm sang cho một bữa tiệc.

“Có hôm bọn em đi hát phục vụ có một bàn tiệc nhưng thực khách chỉ ngồi nói chuyện với nhau, sau khi em giới thiệu bài hát thì vẫn thấy khách mải mê trò chuỵện em có ý mong muốn mọi người nếu còn trao đổi thì chúng em sẽ hát sau. Sau khi nghe được điều này khách đã tỏ ý không hài lòng và cho rằng ca sỹ hát thì cứ hát mà  không cần để ý đến xung quanh”, em đã không đồng ý và cắt hợp đồng”.

Đối với cô không phải ca sỹ là người sang chảnh , yêu sách đòi hỏi gì, vì theo cô khi đi hát đám cưới mà ở đó người ta trân trọng giọng hát nhưng cát sê thấp thì vẫn đáng quý hơn là một even được trả cát sê cao mà người ta không nhằm mục đích để thưởng thức âm nhạc.

Với Lan Hương chặng đường làm ca sỹ dù bằng phẳng êm ả đến mấy cũng vẫn có những khó khăn vất vả, và người làm nghề phải nhắm được cái đích đến cho mình đó là chuyên chở những giá trị nghệ thuật được chắt lọc trong đời sống thông qua âm nhạc, thì mới để lại trong lòng khán giả những dư vị đẹp.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN