Luôn có tên trong danh sách những món ăn đắt đỏ nhất của Nhật Bản, một suất sashimi cá nóc (Fugu) có thể tiêu tốn của một gia đình khoảng 200 USD cho 8 miếng khi dùng bữa tại những nhà hàng 3 sao vàng Michelin.
Không những đắt đỏ, những thực khách gọi món sashimi cá nóc cũng phải đặt cược cả tính mạng của mình nếu muốn thưởng thực món ăn nói trên. Bởi chỉ một miligram chất độc của loài cá này có thể lấy đi mạng sống của một người đàn ông trưởng thành trong chưa đầy một giờ với cái chết đau đớn.
Vậy, vì sao cá nóc - một trong hai loài động vật có xương sống độc nhất hành tinh -vẫn hiện diện trong văn hóa của Nhật Bản, và đóng góp cho ngành công nghiệp ẩm thực của nước này hàng triệu USD mỗi năm?
Thực tế, những nhà hàng Nhật chỉ được bán món cá này khi đã được cấp phép. Chính phủ Nhật đã ra luật yêu cầu chỉ những người có chứng chỉ mới được phép giết mổ và buôn bán cá nóc.
Để có được tờ chứng chỉ này, một bếp trưởng với kỹ năng tốt cũng phải trải qua 2 năm đào tạo, cùng ít nhất 2 năm kinh nghiệm xử lý cá nóc.
Ngoài ra, đi kèm trong quá trình đó là muôn vàn các bài kiểm tra lý thuyết siêu khó mà bắt buộc học viên phải đạt điểm tối đa.
Cũng cần biết rằng các bếp trưởng không học cách "loại bỏ chất độc", mà là biết "chất độc nằm ở đâu". Với cá nóc, độc tố nằm rất nhiều ở ruột, nội tạng và da cá - đó sẽ là những phần phải tiêu hủy sau quá trình chế biến. Họ cũng cần phải biết cách tránh cắt phạm phải phần có độc tố - như gan, nếu không có thể khiến phần thịt cá vốn an toàn cũng bị nhiễm độc.
Quá trình rèn luyện gian nan sẽ kéo dài ít nhất là 4 - 5 năm, nhưng cũng có thể lên đến 7, thậm chí là 10 năm. Kết thúc quá trình, các đầu bếp phải trải qua một bài thực hành cuối cùng: bóc tách và chế biến thành công một con cá nóc, dưới sự giám sát của các đầu bếp Fugu giàu kinh nghiệm. Chỉ khi vượt qua thử thách ấy, họ mới nhận được chứng chỉ.
Chính vì sự cầu kì trong đào tạo và chế biến cá nóc ở Nhật nên không có gì đáng ngạc nhiên khi giá của món cá này lại đắt đỏ đến vậy.