(Baonghean.vn) – Tiếng cồng chiêng, những điệu hát múa của người Thổ từ lâu đã trở thành niềm đam mê của đại gia đình cụ Vũ Thị Thanh (làng U, xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Đàn).
Từ lâu, tiếng cồng làng U (xã Nghĩa Thắng – Nghĩa Đàn) đã được nhiều người biết đến với CLB cồng chiêng được công nhận vào tháng 12/2015. Các nghệ nhân nổi tiếng của CLB như cụ Vũ Thị Thanh, Nguyễn Thị Thân là những người đã có công trong việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ, đồng thời là chị em dâu trong một nhà.
Cụ Vũ Thị Thanh năm nay đã 80 tuổi, lưng đã còng nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh lắm. Cụ vừa đánh cồng, vừa hướng dẫn con cháu mỗi khi họ thực hiện chưa đúng một điệu nhảy hay một tiếng kèn lạc nhịp. Chính cụ Thanh là người đã bỏ công ra sưu tầm hàng nghìn câu hát đối của người Thổ. Theo cụ, ngày trước, mỗi khi người con trai muốn lấy vợ phải hát đối đáp với người con gái mình ưng. Nếu đối lại được thì lúc đó mới tính đến chuyện hôn nhân. Chẳng hạn người con trai muốn vào nhà thì hát lên rằng: “Đầu lạ sau quen, ôi em ôi anh đợi ngoài ngõ sau anh men vào nhà”. Người con gái đối lại: “Vào nhà ôi anh ôi chiếu hoa thì em trải ra rồi, em mời anh ngồi kẻo đứng mà mỏi chân”…
Cụ Thanh cho hay mình đi đánh cồng chiêng vào năm 14 tuổi. Ngày ấy, cứ lúc nào rảnh rỗi là theo chân cha đi đánh cồng chiêng khắp các làng trên, bản dưới. Ông Vũ Văn Chính – thân sinh cụ Thanh là một trong những người đam mê cồng chiêng nhất trên mảnh đất này. Những ngày hội hè hay những đêm trăng sáng mọi người lại tập trung để vui cồng chiêng. Năm 18 tuổi, khi đã rành rẽ các điệu cồng cô gái người Thổ - Vũ Thị Thanh lại lặn lội đi khắp nơi để hướng dẫn cho các cháu nhỏ đánh cồng, đánh trống, thổi kèn. Cô sợ rằng, khi lớn lên con cháu mình sẽ quên mất điệu hồn dân tộc nên chẳng lúc nào thôi trăn trở.
Những năm 80, mọi người trong làng đua nhau bán cồng chiêng vì đói, cụ Thanh lại lặn lội đi vận động mọi người rồi bỏ tiền ra mua lại những bộ cồng chiêng đã bị thất lạc.
Chung niềm đam mê với bà Thanh, người em dâu Nguyễn Thị Thân năm nay đã 78 tuổi cũng được công nhận là nghệ nhân cồng chiêng. Theo lời cụ Thanh thì trong làng U hiện nay chỉ có cụ Thân là người còn múa đúng nhất điệu múa của người Thổ do ông cụ Vũ Văn Chính truyền lại. Những bước chân, cách đánh tay trống của cụ Thân phải nói rằng rất điệu nghệ.
Cụ Thân bảo rằng: “Tôi giờ già rồi, chỉ muốn khi nằm xuống thấy con cháu mình giữ được điệu múa, tiếng cồng, tiếng trống, tiếng khèn thôi”.
Vốn đam mê cồng chiêng từ nhỏ, bà cũng theo học ông Vũ Văn Chính và về làm con dâu ông. Phải vất vả tìm hiểu nhiều năm trời bà mới học được điệu múa “đúng chất” người Thổ do cụ Chính truyền lại.
Con trai cụ Thanh, anh Nguyễn Trung Thu hiện đang làm cán bộ quân sự xã Nghĩa Thắng nhưng hễ cứ rảnh rỗi anh lại theo chân mẹ đi biểu diễn khắp nơi. Anh Thu được mọi người biết đến là người thổi kèn Thổ hay nhất vùng. Anh Nguyễn Trung Thu cho biết: “Khi lớn lên, gần 20 tuổi tôi mới bắt đầu theo các cụ học thổi kèn. Lúc đầu cũng nản lắm vì trước đây chỉ biết đánh cồng, đánh trống giờ chuyển sang thổi kèn nên khó. Lúc đầu chỉ tập thổi riêng kèn, sau đó mới đưa cồng và trống ra hòa chung. Phải mất 3 năm miệt mài giờ tôi mới thổi được như thế này”.
Hiện nay, cả cụ Thanh, cụ Thân và anh Thu vẫn ngày ngày miệt mài hướng dẫn cho con cháu mình và lớp trẻ trong làng xã những điệu cồng, tiếng trống, tiếng khèn, câu hát để giữ gìn văn hóa dân tộc.
Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN |
---|