(Baonghean.vn) - Trình độ dân trí còn hạn chế, cuộc sống thiếu đói quanh năm nên nhiều em học sinh miền núi chưa kịp quen mặt chữ đã phải theo bố mẹ lên rẫy tìm cái ăn. Và cứ đến dịp đầu năm học khi giáo viên miền xuôi ổn định việc dạy học, học sinh cũng đã trở lại nếp học hành bình thường thì ở vùng miền Tây xứ Nghệ, những 'người đưa đò' phải lặn lội ngày đêm, tìm đến từng con suối, ngọn đồi, gõ cửa từng gia đình vận động cho con em tới lớp. 

images1699355_hoa_1.jpgNhững ngày nghỉ cuối tuần, buổi ngày các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 lại vượt đèo dốc lên tận các rẫy để vận động học sinh đến trường.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) nằm cách trung tâm xã hơn 30km, là nơi sinh sống của 100 hộ dân đồng bào dân tộc Mông. Năm học mới đã diễn ra gần 1 tháng, nhưng cho đến lúc này các giáo viên vẫn đang tiếp tục đi vận động học sinh đến trường. Trong ảnh: Các thầy giáo đang vận động gia đình ông Xồng Nhìa Tu đưa 2 đứa con đang theo lên rẫy về bản để đến trường
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 41 giáo viên thì cả 41 người đều là nam giới. Buổi ngày đi chưa đặng, buổi đêm, các thầy chia thành từng nhóm đến các gia đình vận động con em đến lớp.
Có những hôm các thầy giáo phải mất cả đêm mới thuyết phục được gia đình cho con trở lại lớp học. Thế nhưng, có nhiều trường hợp các thầy không nhận được cái gật đầu của phụ huynh.
Đến thời điểm này nhờ sự nỗ lực của các thầy giáo, hơn 90% học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã đến hoặc trở lại lớp, thầy giáo người Mông Xồng Bá Thành là một trong những tấm gương sáng giúp đồng bào nhận thấy tầm quan trọng của sự học qua đó góp phần thay đổi nhận thức để cho con em đến trường.
Cũng không khác gì các giáo viên ở Tri Lễ, năm học mới bắt đầu cũng là lúc các thầy giáo Trường THCS Xá Lượng, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đi kiếm học trò không đến trường khi mùa Hè đã kết thúc.
Trong số các bản làng ở xã Xá Lượng thì bản dân tộc Khơ mú Na Bè là tình trạng học sinh bỏ học nhiều hơn cả. Đến thời điểm này vẫn có hơn 60 học sinh chưa tới lớp. Vậy nên các thầy lại phải gõ cửa từng gia đình để vận động.
Phần lớn các em học sinh ở Na Bè nghỉ học để mưu sinh giúp gia đình. Có những em theo người thân cho biết đã sang tận Trung Quốc nhiều tháng nhưng chưa có hồi âm, nhiều em khác theo người vào mãi tỉnh Quảng Ngãi làm vàng hay theo bố mẹ lên rẫy trỉa ngô, chăn bò. Trong ảnh: Thầy giáo Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Xá Lượng động viên, thuyết phục em Xeo Văn Xây học sinh lớp 8 trở lại trường.
Việc vận động học sinh miền núi đi học đã khó, vận động các em tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông) lại càng khó bội phần.
Hiện tại, hai bản người Đan Lai tại bản Búng và bản Cò Phạt nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát vẫn còn 22 em trong tổng số 81 em chưa đến trường. Các giáo viên Trường THCS Môn Sơn cho biết, hầu như năm học mới nào các thầy giáo cũng tổ chức 6, 7 đợt vận động.
Đời sống quá nghèo khổ, nhận thức hạn chế nên nhiều phụ huynh Đan Lai không muốn cho con cái đến trường. Thấu hiểu thực trạng đó, các thầy giáo bằng mọi cách động viên, thuyết phục, kể cả hỗ trợ vật chất để các em được tới trường.
Cái đói, cái nghèo của người dân chính là bức tường vô hình ngăn cách họ với môi trường học tập của các em học sinh. Và hình ảnh thường thấy là những cái lắc đầu khi các thầy giáo đặt vấn đề với phụ huynh về việc học.
Tuy vậy nhiều người thấy được tấm lòng của thầy cô giáo nên đã đồng ý cho con trở lại lớp.
Đến thời điểm này các thầy giáo Trường THCS Môn Sơn đã thuyết phục gia đình và đưa được 7/22 em trở lạ trường học. Và ngay khi nhận được cái gật đầu của gia đình,các thầy giáo tức tốc chở các em về trường.

Công Kiên - Xuân Hòa - Hoàng Tùng 

TIN LIÊN QUAN