(Baonghean) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, điều mà mỗi người lao động mong ngóng là có được khoản tiền thưởng để chi phí, trang trải thêm cho gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn và tiền lương tối thiểu vùng tăng, mức thưởng năm nay được dự báo ít có sự đột biến.
 
Lương tăng, thưởng giữ nguyên
 
Thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về báo cáo nhanh tình hình tiền lương và tiền thưởng Tết của người lao động, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 169 doanh nghiệp đóng trên địa bàn gồm: 24 công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; 25 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước; 90 doanh nghiệp dân doanh và 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
 
images1795519_5a.jpgTrao quà Tết Đinh Dậu 2017 cho công nhân Công ty CP Bao bì và Kinh doanh tổng hợp Nghệ An. Ảnh: Thanh Cường
 
Theo khảo sát, mức thưởng Tết bình quân mà các doanh nghiệp thưởng cho người lao động năm nay dao động trong khoảng 3,9 - 4,2 triệu đồng/người (năm 2016: 4,3 - 4,6 triệu đồng); cao nhất là 63 triệu đồng/người và thấp nhất là 200.000 đồng/người.
 
Trong đó, khối các công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu vốn, mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng/người, bình quân 4,1 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người; khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng cao nhất 50 triệu đồng/người, bình quân 4,2 triệu đồng/người, thấp nhất là 2 triệu đồng/người; khối các doanh nghiệp tư nhân mức thưởng cao nhất là 15 triệu đồng, bình quân 3,9 triệu đồng/người, thấp nhất 1 triệu đồng/người; khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng bình quân 4,1 triệu đồng/người, cao nhất 60 triệu đồng/người và thấp nhất 250.000  đồng/người.
 

Ông Lê Văn Thúy - Trưởng phòng Tiền lương - BHXH - ATVSLĐ (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Theo kết quả khảo sát, mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn không có nhiều biến động, những doanh nghiệp thưởng cao vẫn giữ được mức của các năm trước như Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (63 triệu đồng/người); Công ty TNHH liên doanh nguyên liệu giấy Nghệ An PP (60,9 triệu đồng/người)... Một số doanh nghiệp do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2016 đi xuống nên tiền thưởng có giảm theo như Công ty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2 (200.000 đồng/người), Công ty TNHH Goldenstar (250.000 đồng/người), Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (350.000 đồng/người), Công ty CP Nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn (1.000.000 đồng/người)… 

Tổng hợp cũng cho thấy, tuy mức thưởng có giảm hơn so với Tết năm 2016, nhưng mức lương bình quân lại tăng. Cụ thể, lương bình quân của người lao động trên địa bàn năm nay từ 4,3 - 4,6 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy so với năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn trả lương tăng từ 12 - 15%. Trong đó, tiền lương doanh nghiệp trả cao nhất là 60 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 2,4 triệu đồng/người/tháng. Câu hỏi được nhiều người lao động quan tâm là tại sao lương tăng nhưng thưởng lại giảm?

Giữ chân người lao động
 
Theo Luật Lao động, tiền lương được hiểu là tiền công trả cho người lao động và được quy định trong Luật Lao động, còn tiền thưởng là do người sử dụng lao động quyết định.
 
Như vậy, mặc dù Nhà nước luôn khuyến khích người sử dụng lao động có các chế độ đãi ngộ cho người lao động, nhưng pháp luật lao động không bắt buộc phải chi trả tiền thưởng nên người sử dụng lao động cũng không buộc phải trả thưởng vào các dịp lễ, Tết.
 
Người sử dụng lao động được quyền chủ động, tự nguyện trả thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Chỉ trong trường hợp giữa người lao động và công ty đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể về việc trả thưởng mà công ty không thực hiện như cam kết thì người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, hoặc tiến hành các thủ tục pháp lý để giải quyết.
 
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên. Ảnh: M.H
 
Cầm trên tay hơn 7.000.000 đồng lương tháng thứ 13 vừa nhận được, anh Thái Văn Tấn - công nhân Công ty TNHH Thương mại Phi Diệp vui mừng chia sẻ: “Làm ở công ty hơn 3 năm rồi, năm nào tôi cũng nhận trước như thế này để đem về gia đình lo sắm Tết, chứ mấy hôm nữa bận không nghỉ được. Tuy là không nhiều nhưng biết bao nhiêu cho đủ, mình còn phải nghĩ đến công ty nữa. Nhờ có khoản này mà mấy năm nay, gia đình sắm sửa được nhiều hơn, ăn Tết đàng hoàng hơn”.
 
Không nhận được thưởng lớn như anh Tấn nhưng với chị Chu Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên, mặc dù mới vào làm tại công ty hơn 7 tháng nhưng cũng được thông báo thưởng lương tháng thứ 13 (hơn 2.700.000 đồng) và quà Tết là chăn và áo ấm. Dù số tiền không nhiều nhưng chị Thủy vẫn hài lòng bởi chị hiểu rằng, hiện nay ngành may mặc kinh doanh không tốt nên có thưởng là vui rồi.
 
Rõ ràng, do luật không quy định nên không thể bắt buộc doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, vào mỗi dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Âm lịch, dù ít, dù nhiều, các doanh nghiệp vẫn có một khoản tiền thưởng thường tương đương với lương tháng thứ 13 để động viên, khuyến khích người lao động.
 
Ông Nguyễn Văn Phi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phi Diệp, đơn vị kinh doanh kim loại và quặng kim loại cho biết: “Để thu hút lao động cũng như mong muốn họ cống hiến hết mình vì doanh nghiệp, giữ lại lao động lành nghề thì ngoài việc trả lương xứng đáng, chúng tôi sẽ trích lại một khoản làm quỹ thưởng Tết cho người lao động, thông thường khoản đó bằng với lương tháng thứ 13 của họ”. 
 
Gần 20 ngày nữa là người lao động trên cả nước được nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, câu chuyện thưởng Tết vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Nếu các doanh nghiệp không có động thái giữ chân người lao động bằng những khoản lương, thưởng hợp lý, nhất là thưởng Tết thì sẽ rất khó giữ chân công nhân lành nghề, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động đối với doanh nghiệp.
 
 
Cảnh Nam