073125-1.jpgÔng Tám dùng giấy báo che, cột dây neo giữ vì quả bưởi quá nặng, 7 - 8 kg. Ảnh: Hoàng Nam

Sáng sớm, ông Ngô Văn Tám (66 tuổi, Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho) mang xấp giấy báo cùng cuộn dây ra sau vườn bưởi 30 gốc, xen lẫn dừa. Cẩn thận kiểm tra từng trái, ông Tám dùng giấy báo quấn xung quanh, vừa che nắng vừa để bưởi không bị xây xát vỏ. Do mỗi trái nặng 7 - 8 kg, ông Tám phải dùng dây cột giữ để không gãy nhánh.

Những gốc bưởi 10 năm tuổi này thoạt nhìn không khác mấy so với bưởi da xanh truyền thống, nếu quanh thân không có hàng chục trái bưởi khổng lồ đu đưa, đường kính khoảng 80 cm. Nhiều quả đã chín da căng bóng, ngả sang màu vàng chanh.

Chủ vườn lý giải, do bưởi có kích thước khổng lồ, giống cái thúng nên dân địa phương còn gọi là bưởi thúng. Bưởi chỉ cho trái mỗi năm một vụ đúng vào dịp Tết, có vị chua nhạt, ăn không ngon như bưởi thường. Nhưng do có vỏ màu vàng tươi, ruột màu đỏ, mang ý nghĩa may mắn nên loại này vẫn hút khách mua để chưng Tết.

Để trái đạt kích thước lớn nhất, ông Tám thường xuyên tỉa bớt trái non, chỉ giữ lại mỗi cây khoảng 7-10 trái.

Quả bưởi thúng có đường kính lớn nhất khoảng 80 cm, vỏ khi chín màu vàng, ruột đỏ, vị nhạt dùng chưng Tết. Ảnh: Hoàng Nam

"Vườn tôi được hơn 100 trái loại to, đã được thương lái đặt mua toàn bộ với giá từ 500.000 - 700.000 đồng mỗi trái. Tết năm nay, gia đình tôi thu nhập khoảng 120 triệu đồng", ông Tám nói.

Trước Tết Nguyên đán một tuần, các thương lái sẽ đến vườn để thu hoạch bưởi thúng và đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây và TP HCM.

Ông Võ Văn Nhì (64 tuổi, Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho) cũng chia sẻ, trước đây người dân địa phương chủ yếu trồng bưởi da xanh bán Tết. Do nhiều năm giá cả bấp bênh, sau khi tham dự một số triển lãm ở địa phương, nhiều nông dân thấy giống bưởi thúng trái to, bắt mắt nên mua cây con về trồng thử. Đây là loại cây không cần nhiều đất, có thể trồng xen trong vườn với các loại cây khác, sau ba năm trồng, cây bắt đầu cho trái sai.

"Đây là giống bưởi rất khó trồng, phải phù hợp với đất trái mới to, xung quanh đây có gần chục nhà trồng mà chỉ có 2,3 hộ thành công", ông Nhì nói.

Một gốc bưởi thúng sai quả ở xã Đạo Thạnh. Ảnh: Hoàng Nam

Theo kinh nghiệm của ông Nhì, để trái chín đúng dịp Tết, từ tháng tư âm lịch, do đang vào mùa mưa nên nông dân cần dùng bạt nhựa che phủ gốc cây, đồng thời ngưng tưới nước. Sau khoảng một tháng, nhà vườn tháo các tấm bạt, rửa cành, tưới nhiều nước đồng thời bón phân hữu cơ, thường là phân ủ từ xác cá, đến giữa tháng năm cây bắt đầu ra hoa, kết trái.

Năm nay, gia đình ông Nhì có 10 gốc bưởi thúng, khoảng hơn 50 trái loại to đã được thương lái đặt mua với giá 250.000 - 700.000 đồng mỗi trái.

Do lợi nhuận trồng bưởi thúng cao gấp 5 - 7 lần bưởi da xanh, gia đình ông Nhì đang chiết trồng thêm 50 gốc xung quanh vườn nhà.

Những người trồng bưởi thúng cho hay, đây là giống trái cây chưng Tết thuộc loại "độc lạ", nên các thương lái sau khi kết thúc vụ trước sẽ làm sẵn hợp đồng bao tiêu cho vụ năm sau. Nhiều người dân hiếu kỳ lẫn thương lái trái cây sau khi xem qua mạng, đã đến tận vườn hỏi mua giá cao nhưng phải về tay không. Hiện một số nhà vườn đã chiết nhánh, bán với giá khoảng 200.000 đồng mỗi cây con.