(Baonghean) - Trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, ở TP Vinh, tình trạng chiếm dụng lòng lề đường ở một số tuyến phố làm chợ hoa tết và bán hàng đã giảm mạnh so với mọi năm.Tuy nhiên, sau những ngày nghỉ Tết, tình trạng lấn chiến lòng, lề đường, hè phố làm nơi kinh doanh lại tái diễn, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Vinh.


Ông Phan Thanh Sơn-Phó Chánh Thanh tra đô thị TP Vinh cho biết: "Trong dịp Tết, cùng với các lực lượng chức năng khác, chúng tôi đã nỗ lực lập lại trật tự và giữ được sự thông thoáng của một số tuyến đường chính, nhất là ở Đại lộ Lênin đã không xảy ra cảnh chợ hoa Tết tràn ra kín cả đường như mọi năm. Việc vẫn còn một số vỉa hè bị lấn chiếm làm địa điểm kinh doanh do trước đây thành phốcó chủ trương thí điểm cho các hộ dân thuê một phần của vỉa hè, nay kể từ ngày 1/1/2012, TP Vinh không còn duy trì việc cho thuê nữa, nhưng các hộ kinh doanh vẫn theo "thói quen" bày bán hàng hoá tràn lan khắp vỉa hè. Để sớm chấm dứt tình trạng này, hiện nay chúng tôi đã có kế hoạch ra quân giải toả việc lấn chiếm hành lang ATGT ở các trục đường và tuyến phố chính như: Trần Phú, Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Lợi..."


Xảy ra tình trạng tái diễn việc lấn chiếm lòng, lề đường còn có một nguyên nhân chính nữa là chế tài xử phạt chưa sát thực tế. Theo ông Sơn, hiện nay mức xử phạt thấp nhất cho hành vi chiếm dụng lòng, lề đường theo Nghị định 34 của Chính phủ là 20 triệu đồng là không khả thi, bởi mức phạt quá cao so với số tài sản mà những người vi phạm có, nên một số người vi phạm sẵn sàng chấp nhận việc hàng hoá, phương tiện hành nghề của mình bị tịch thu chứ không nộp phạt. Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè lại là những người không có việc làm, hoàn cảnh éo le, nên việc xử lý triệt để những trường hợp này là rất khó.

772965_small_71241.jpg

Từ ngày 1/1/2012, TP Vinh không còn duy trì việc thí điểm cho thuê vỉa hè, nhưng các hộ kinh doanh vẫn chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh


Như vậy, việc xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở TP Vinh vẫn là một điều nan giải, khi mà tính tự giác của người dân chưa cao, còn lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra được biện pháp khả thi trong việc xử phạt. Do vậy, mỗi khi có lực lượng chức năng ra quân thì người dân lại vội vã thu gom vật dụng, hàng hóa, nhưng khi lực lượng làm nhiệm vụ đi qua thì mọi chuyện đâu lại vào đó.

Để cho TP Vinh "hè thông đường thoáng", xứng đáng với bộ mặt của thành phố đô thị loại 1, thiết nghĩ việc lập lại trật tự đô thịkhông chỉ dừng lại trong các đợt ra quân của các lực lượng chức năng mà phải mang tính thường xuyên liên tục. Bên cạnh đó TP. Vinh cũng cần tìm ra một giải pháp xử phạt thích đáng, đủ tính răn đe và có hiệu quả đối với các trường hợp vi phạm, như vậy mới không xảy ra tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" đối với hành vi lấn chiếm lòng, lề đường.

Trong khi nhiều địa phương khác khẳng định việc khó xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường do mức phạt theo Nghị định 34/CP quá cao, thì ông Trần Minh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân (TP HCM) cho biết mức phạt này đã có tác dụng răn đe hiệu quả. Theo ông Khiêm, thời gian qua, quận đã tiến hành kẻ vạch sơn (tính từ tường nhà dân ra vỉa hè 1,5m) trên nhiều vỉa hè các tuyến đường để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, mua bán có nơi đậu xe, chừa lối đi bộ cho khách bộ hành. Lực lượng thanh tra xây dựng quận và các tổ thanh tra xây dựng ở các phường hằng ngày đi kiểm tra, xử phạt các hộ vi phạm. "Ban đầu, chúng tôi chỉ lập biên bản nhắc nhở, nếu tái phạm lần 3 mới xử phạt theo Nghị định 34. UBND quận đã bác nhiều đơn xin cứu xét giảm mức phạt hoặc miễn phạt. Vì vậy, công tác lập lại trật tự lòng lề đường tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận đang dần ổn định" (Theo TNO).


Đức Chuyên