(Baonghean) - Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, trong nhiệm kỳ qua, ngành Giao thông vận tải Nghệ An (GTVT) còn tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vận tải.  Hạ tầng bến bãi, phương tiện được đầu tư mới, thêm các tuyến được cấp phép đã tạo cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa thuận lợi. 

Đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ vận tải
 
Công ty cổ phần Bến xe Nghệ An là một trong những đơn vị đầu mối của tỉnh trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Hiện phương tiện tham gia vận tải hành khách tại Bến xe Vinh từ 800 - 850 đầu xe, gồm 83 doanh nghiệp vận tải hành khách của tỉnh Nghệ An và nước bạn Lào. Để đáp ứng năng lực phục vụ vận tải, trong thời gian qua, Công ty đầu tư nâng cấp các hạng mục để xây dựng bến xe ngày càng văn minh, hiện đại. Ông Võ Xuân Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Nghệ An cho biết:  “Đơn vị quan tâm đầu tư hạ tầng đảm bảo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với bến xe loại 1, góp phần nâng cao sức thu hút khách đi xe vào bến. Qua đó, Nhà nước kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách trên các tuyến cố định”. Hiện nay, đơn vị đang làm chủ đầu tư dự án xây dựng Bến xe Bắc Vinh tại xã Nghi Kim, với quy mô bến xe loại 1, số lượng phương tiện hoạt động từ 400 - 600 lượt xe/ngày, tổng mức đầu tư 273,7 tỷ đồng, diện tích sử dụng 45.584m2, trong đó diện tích xây dựng 8.345m2. Cùng đó, xây dựng Bến xe Nam Vinh tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên với diện tích 4,6 ha, quy mô bến xe loại 1 để thay thế Bến xe Vinh và Bến xe chợ Vinh. Tổng công suất của 2 bến đạt 1.200 chuyến/ngày đêm, gấp đôi công suất hiện tại của Bến xe Vinh và Bến xe chợ Vinh, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng, vừa phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh, Thành phố Vinh và khu vực. 
images1384818_dsc_1015.jpgBến xe Vinh được đầu tư nâng công suất, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
 
Cùng với chủ trương xã hội hóa xây dựng các bến xe, trước nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng tăng, Sở GTVT đã xây dựng “Đề án vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP. Vinh và vùng phụ cận giai đoạn 2008 - 2015”. Ngành quan tâm kêu gọi đầu tư phát triển loại hình dịch vụ vận tải công cộng, đặc biệt với loại hình xe buýt. Đồng thời, quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: điểm dừng, đón, trả khách, nhà chờ, điểm trung chuyển... đang được duy tu, duy trì và tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt hoạt động và hành khách tiếp cận dịch vụ. Việc đưa vào khai thác các tuyến xe buýt ở TP. Vinh và  khu vực phụ cận đã giúp cho nhu cầu đi lại của nhân dân có thêm sự lựa chọn, góp phần hạn chế lưu lượng lưu thông của các phương tiện cá nhân, hạn chế được ách tắc trong thành phố và góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Ông Trần Đình Sỹ, Thị trấn Đô Lương cho biết: “Đây là loại hình dịch vụ đáp ứng sự chờ đợi của các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo. Nhiều người dân đã lựa chọn loại hình xe buýt để đi lại vì loại hình vận tải này giá cả rẻ, có trạm dừng đón, trả khách cố định, hành trình chạy đúng giờ, đúng tuyến, rất tiện lợi cho hành khách”.
 
Cùng với tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, ngành phối hợp phát triển giao thông đường không, đường thủy, nâng cao năng lực vận chuyển mới. Sân bay Vinh được đầu tư nâng cấp trở thành sân bay quốc tế với việc mở rộng nhiều hạng mục của sân bay như: Dự án mở rộng sân đỗ máy bay, dự án xây dựng đường tầng và sân đậu ô tô với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Các công trình được kết nối với nhau tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại và đồng bộ đảm bảo vận hành và khai thác hiệu quả toàn bộ hệ thống theo quy trình công nghệ của nhà ga mới, hiện đại. Hệ thống cảng biển với việc đầu tư nâng cấp Cảng Cửa Lò, các phương tiện nâng dỡ cho phép các tàu vận tải 15.000 tấn trở lên ra vào cảng, nhờ đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng nâng lên hàng năm. 
 
Nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ
 
Theo báo cáo của Sở GTVT, tính đến ngày 31/8/2015, ngành đã cấp Giấy phép kinh doanh vận tải khách cho 74 đơn vị, trong đó có 4 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt, hoạt động trên 11 tuyến với tổng số 121 xe; 14 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với tổng số hơn 1.000 xe; 12 đơn vị chuyên kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; 22 đơn vị kinh doanh theo tuyến cố định với 31 tuyến nội tỉnh gồm 433 xe, 133 tuyến ngoại tỉnh với 675 xe và 6 tuyến đi Lào; 18 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container với 194 xe; 5 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường với 56 xe. Điều dễ nhận thấy là hành trình và thời gian vận tải các tuyến nội tỉnh, ngoại tỉnh được rút ngắn. Hiện tượng tranh giành, “cò” hành khách đã được hạn chế; cơ bản xóa bỏ các bến xe cóc, hạn chế tối đa xe dù, xe chạy vòng vo đón - trả khách. Các phương tiện tham gia vận chuyển đều được cấp phù hiệu, giám sát hành trình, sổ nhật trình và thực hiện kế hoạch, tần suất, biểu đồ khai thác trên tuyến bảo đảm quy định. Chất lượng vận tải từng bước được cải thiện, các phương tiện cũ, lạc hậu được thay thế; có nhiều doanh nghiệp đầu tư mua xe chất lượng cao, xe giường nằm (gần 50% vận tải hành khách là xe giường nằm).
 
Đơn cử ở Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh với trên 20 chiếc xe giường năm cao cấp hạng sang, bình quân 3 tỷ đồng/xe, chạy các tuyến TP. Vinh - Hà Nội, Cửa Lò - Hà Nội, Hà Tĩnh - Hà Nội. Để luôn giữ chữ “tín” với khách hàng, công ty tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ trong suốt hành trình, đổi mới phương thức phục vụ hành khách, chú trọng công tác bảo đảm an toàn, tất cả phương tiện đều lắp thiết bị giám sát hành trình - GPS. Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh cho biết: “Công ty không ngừng  cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Trong thời gian tới, chúng tôi sẻ mở thêm một số tuyến mới bằng xe giường nằm cao cấp ở khu vực phía Nam Trung bộ, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”.
 
Cùng với các loại hình vận tải khác, vận tải hàng không liên tục tăng chuyến và mở thêm các tuyến bay. Ngày 12/1/2014, tại Sân bay Vinh, hãng hàng không Vietnam Airlines đã khai trương đường bay quốc tế đầu tiên Vinh - Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Đây được đánh giá là sự kiện quan trọng góp phần từng bước đưa kinh tế - xã hội Nghệ An nâng tầm trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, thúc đẩy hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực giữa các tỉnh của Lào, Thái Lan, dễ dàng thiết kế được nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn theo đường hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân và du khách, tạo điều kiện thu hút nguồn khách du lịch, nhà đầu tư đến với Nghệ An. Không chỉ đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn, nhiều chuyến bay trong nước được hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetta Pacific tăng thêm chuyến như: Vinh - Hà Nội (từ 1 chuyến lên 3 chuyến/ngày), Vinh - Đà Lạt (tăng 3 chuyến/tuần lên 1 chuyến/ngày), Vinh - Đà Nẵng (tăng 3 chuyến/tuần lên 1 chuyến/ngày)… Lượng hành khách thông qua cảng tăng lên nhanh chóng, năm 2011 đón trên 530.000 lượt khách, năm 2012 đạt gần 7000 lượt khách, cuối năm 2014, Cảng hàng không Vinh đón nhận 1,2 triệu lượt khách. Lượng hàng hóa vận chuyển thông qua Cảng hàng không Vinh cũng tăng lên ấn tượng: Năm 2012 đạt 1.800 tấn, đến năm 2014 đạt 2.990 tấn.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Phú Hiền, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Trong thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông vận tải bền vững, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thời gian tới, ngành tiếp tục làm tốt công tác tham mưu về quản lý vận tải; kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các bến xe, bến thủy nội địa, khai thác các tuyến xe buýt. Ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý vận tải để chấn chỉnh kịp thời những vấn đề tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói riêng và của cả khu vực Bắc Trung bộ nói chung”.
 
Thanh Lê