(Baonghean) - Hát bằng bản năng, bằng hơi thở, bằng sự cảm nhận về cuộc sống một cách tự nhiên, Bùi Lê Mận đã chinh phục khán giả bằng sự ngọt ngào và mộc mạc không trộn lẫn để đứng vững trong dòng nhạc dân gian  đang ngày càng chiếm ưu thế trong đời sống.

“Dân ca đã chọn em”


Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày Bùi Lê Mận đoạt giải Nhất dòng nhạc dân ca cuộc thi Sao Mai – Tiếng hát Truyền hình năm 2009. Cô gái nhút nhát giờ đã trưởng thành rất nhiều từ giọng hát đến cách cảm thụ đời sống qua bức tranh làng quê trong những ca khúc mà chị thể hiện. Ngoài giọng ca ngọt như “mía lùi”, chị có cách truyền đạt cảm xúc tinh tế, sâu lắng nhưng lại mộc mạc.

Để có được vinh quang, để có được những giây phút thư thả hát mà chơi, chơi mà hát như ngày hôm nay, Mận đã phải miệt mài khổ công từ những ngày còn là cô bé con nhỏ xíu cùng bố “tay nải” lên Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 xin theo nghệ thuật. Ca sỹ Tiến Lâm là người thầy đầu tiên đưa chị đến với nghệ thuật chuyên nghiệp, cho biết: “Đúng là dân ca đã chọn Mận, vì khi vào Trường Trung cấp Quân khu 4, em còn nhỏ lắm. Đã có giọng nhưng lúc đó tôi cũng chưa thể định hình giọng hát của em sẽ bay xa như bây giờ. Tôi đã gọi em lại khi cô bé đã đi theo bố ra cổng. Đó là số phận của một duyên nghiệp chăng?”.

Đúng là duyên nghiệp, khi càng được các thầy cô chăm chút Mận càng bộc lộ được phẩm chất thiên phú trong giọng hát. Chỉ cần cất lên: “Mẹ sinh em bên bờ sông Lam, tóc hoe nắng, đất mặn mòi xứ bể”, người ta càng thấy cô sinh ra để hát dân ca. Thế rồi cô giáo Lệ Hằng, người có duyên đào tạo những giọng ca trẻ, đã nhận thấy đây là giọng ca sẽ có giải cao trong những cuộc thi danh giá. Cô đã dày công rèn luyện, chỉ bảo cho Mận  từ cách hát kỹ thuật mà như trò chuyện, từ cách nhả chữ thế nào cho ra chất Lê Mận. Chị đã sớm được giới chuyên môn đánh giá cao, được khán giả xứ Nghệ yêu mến, kỳ vọng qua cuộc thi Sao Mai - Tiếng hát Truyền hình 2007.  Nhưng ngày ấy chị còn quá trẻ, chưa đủ trải nghiệm và bản lĩnh sân khấu, vì thế chị chỉ được giải Gương mặt triển vọng mà thôi.

794721_small_96212.jpg

Đến Sao Mai 2009, người ta đã thấy Lê Mận chững chạc, đắm đuối trong những bài dân ca trình diễn trên sân khấu. Một Tình đất (Đức Trịnh) được phát triển trên làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh, một Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo) được Mận thổi hồn mới vào nhạc điệu, người nghe không thấy na ná Thu Hiền, Anh Thơ, Phương Thảo hay những ca sỹ hát dân ca nổi tiếng. Bởi Mận có cách xử lý bài hát thoát khỏi những kỹ thuật trường lớp, chị không cần phải cố gắng nhả chữ để “ra chất Nghệ”. Những câu hát cất lên như lời tâm sự, như nỗi lòng của chính chị. Cuộc thi Sao Mai năm ấy Mận được khán giả cả nước nô nức bình chọn, hội đồng giám khảo chấm điểm số cao nhất. Chị được xướng tên ở ngôi vị quán quân trong vỡ òa niềm vui của gia đình và những người yêu quý giọng hát chị.

Một ước mơ bình dị

Bùi Lê Mận tâm sự “Em may mắn được hát dân ca vì đây là dòng nhạc thường được biểu diễn ở những sân khấu phục vụ chính trị. Và may mắn hơn khi em luôn được mời về quê nhà biểu diễn trong những dịp lễ trọng. Đó là điều một ca sỹ dân ca luôn mong mỏi, và cũng là sân khấu em luôn muốn được đắm say”. Khi tôi ngỏ ý hỏi rằng Mận có nuôi tham vọng mình sẽ lấn sân sang những dòng nhạc khác không, chị đã khẳng định: “Em chỉ có thể làm tốt một việc, đó là: Hát dân ca!”. Chị cũng chia sẻ rằng, em luôn thấy mình may mắn vì được hoạt động trong môi trường nghệ thuật thuận lợi, nhưng sau này khi đã có tuổi em muốn trở thành cô giáo dạy hát hoặc được biên chế vào Đài PT-TH, để có nhiều điều kiện chu toàn cho gia đình hơn.

Một ca sỹ nổi tiếng dĩ nhiên không thể tránh được cám dỗ, nhất là với một cô gái tỉnh lẻ có nhan sắc, có giọng hát mê hoặc như Bùi Lê Mận. Sau khi mối tình 6 năm với cầu thủ Đức Cường tan vỡ, đã có những lúc Mận nhận được những lời có cánh từ những người giàu có. Nhưng với chị, hạnh phúc đích thực phải đến từ những tình cảm chân thành, mộc mạc, từ người đàn ông thực sự yêu quý và trân trọng chính mình. Mận chia sẻ: “Em chỉ cần một bờ vai thực sự để em được dựa vào mỗi khi yếu lòng. Là phụ nữ, lại có công việc ổn định thì gia đình là một điểm tựa để mình được theo đuổi đam mê!”. Mận còn nói, ai cũng cho rằng nghề ca sỹ bận bịu không chăm lo nhà cửa bếp núc, nhưng thực tế trừ những chuyến đi diễn dài ngày thì đây là một nghề không đến nỗi quá bận bịu. Chị cũng mong ước được tự tay chăm sóc con cái, được nấu những bữa cơm ngon cho gia đình. Vì đối với phụ nữ, vốn quý nhất vẫn là gia đình, vẫn là một mái ấm mà ở đó mình được chở che.


Thanh Nga