Trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp đến thăm và trò chuyện với cụ Lô Khánh Xuyên (SN 1930) - nguyên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quế Phong. Trong căn nhà nhỏ tại bản Dốn, xã Mường Nọc, vị cán bộ lão thành năm nào nay đã ngoài tuổi 90, vậy nhưng, cụ vẫn giữ được vẻ minh tường, mẫn tiệp. Trí nhớ ngược về hơn nửa thế kỷ trước, cụ kể, năm 1963, huyện Quế Phong được thành lập trên cơ sở tách 6 xã: Châu Kim, Châu Thôn, Cắm Muộn, Châu Hùng, Châu Phương, Thông Thụ thuộc huyện Quỳ Châu.
“Những ngày đầu mới thành lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội vô vàn khó khăn. Quế Phong là huyện biên giới, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Từ bản đến xã, lên huyện phải đi bộ nhiều ngày mới tới nơi. Đường 48 từ huyện đi tỉnh cũng còn rất khó khăn, chưa có phương tiện ô tô. Việc vận chuyển hàng hóa từ kho trung tuyến Quỳ Châu lên phục vụ cho đời sống đồng bào đều phụ thuộc vào đôi vai con người" - cụ Lô Khánh Xuyên cho biết.
Thời điểm bấy giờ, toàn huyện có hơn 90% dân số không biết chữ và 80% dân số không biết tiếng Kinh nên một số cán bộ, bà con miền xuôi lên Quế Phong làm việc gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Đáng lo hơn, vì bất đồng ngôn ngữ, cán bộ cấp xã, bản không đọc được công văn, chỉ thị từ huyện gửi về, dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập trong thực tế công tác.
Huyện đã đề ra 3 giải pháp nhằm tập trung thúc đẩy phát triển giáo dục. Một là, nhắc nhớ lại quá khứ nghèo đói, thất học mù chữ; qua đó giác ngộ cho nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ đi học. Hai là, quan tâm chăm sóc đời sống giáo viên cả về tinh thần và vật chất; chú trọng bồi dưỡng giáo viên tốt để kết nạp Đảng. Ba là, mở trường Đoàn vừa học, vừa làm để thu hút ngày càng đông thanh niên đến trường.
Nghĩ về những năm tháng kề vai sát cánh cùng bà con dân bản đấu tranh xóa nạn mù chữ, cụ Xuyên ngược dòng hồi ức: "Kỷ niệm tôi nhớ thương nhất là tình nghĩa của các đồng nghiệp miền xuôi dành cho bà con vùng cao. Anh em giáo viên lên công tác ở đây rất vất vả. Khi Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An kêu gọi giáo viên tình nguyện lên đỡ đầu cho các huyện vùng cao, đầu năm 1963 đã có 50 giáo viên miền xuôi đến với Quế Phong để vừa xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa; vừa giúp các xã biên giới về công tác an ninh quốc phòng. Mỗi giáo viên đều công tác 3 - 4 năm mới về nhà.
Tuy bà con dân bản đã đóng góp cơm áo để nuôi giáo viên nhưng khi họ về xuôi với gia đình thì đều trở về “tay không”, đời sống kinh tế gia đình các thầy cô ở quê hương đều rất vất vả. Dẫu vậy, anh em giáo viên vẫn luôn vững tinh thần, xem Quế Phong như là quê hương thứ 2 của mình. Thời điểm địa phương có dịch sốt rét, không có bệnh viện, thuốc thang, thậm chí nằm ngủ cũng không có mùng màn, đã có nhiều giáo viên bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ dạy chữ cho bà con”.
Nhờ những tấm gương giáo viên tận tụy, nhiệt thành, cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền nên đông đảo nhân dân đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng chiến dịch xóa mù chữ. Cứ thế, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Trong một lớp học chữ lúc bấy giờ hội đủ các thế hệ, từ người già đến trẻ con cùng nhau ra sức học tập.
Sau gần 3 năm, với chủ trương đúng đắn của Đảng, nhân dân hầu hết đã biết chữ, trình độ văn hóa của cán bộ chủ chốt xã và hợp tác xã được nâng lên. Quế Phong đã có 89 người tốt nghiệp cấp 2 hệ bổ túc văn hóa và 65 người tốt nghiệp cấp 2 hệ phổ thông.
Thời điểm bấy giờ, thống kê toàn tỉnh, người học cả 3 ngành học chiếm 37,4% dân số; trong khi đó, riêng huyện Quế Phong chiếm 40,4 % dân số.
Ông Lương Sỹ Cường - Trưởng Phòng VHTT huyện Quế Phong chia sẻ: Trong suốt thời gian qua, bức thư được bảo quản cẩn trọng tại Phòng lưu trữ của huyện, tuy nhiên theo thời gian phần nào đã bị phai mờ, nét chữ không còn vẹn nguyên. Vì thế, Phòng VHTT đã có công văn gửi Sở VH&TT xin được phục chế bức thư.
Cùng với Thư viện tỉnh và Khu Di tích Kim Liên, huyện Quế Phong đã nghiên cứu tìm cách phục chế. Bút tích (bản nháp) của bức thư được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau đó được Khu Di tích Kim Liên liên hệ và đưa về để cùng với bức thư được lưu giữ tại Quế Phong gửi vào Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phục chế.