17202970_1462018.jpg
Goldman Sachs dự báo các "vũ công Samba" sẽ được nâng chiếc cúp vô địch lần thứ 6 tại Nga vào ngày 15/7. Kết quả dự báo này của Goldman Sachs dựa trên sự kết hợp của các phương pháp khai thác dữ liệu (Data Mining), máy học (Machine Learning) và kinh tế lượng (Econometrics).

Cụ thể, ngân hàng này sử dụng 200.000 mô hình thống kê, sàng lọc dữ liệu từng cầu thủ, hiệu suất các đội gần đây và chạy một triệu mô phỏng cho giải đấu. Kết quả, Brazil sẽ thắng sít sao Đức trong trận chung kết, với điểm số thuật toán trả về là 1,70 - 1,41.

"Chúng tôi cung cấp đầu vào là dữ liệu từng đội, từng cầu thủ và hiệu suất thi đấu của các đội gần đây, thành 4 mô hình máy học khác nhau để phân tích số bàn thắng trong mỗi trận đấu. Các mô hình sau đó tìm ra mối quan hệ giữa các đội và bàn thắng ghi được, bằng cách sử dụng kết quả các trận World Cup và European Cup từ năm 2005. Bằng cách xoay vòng kết hợp của các biến, chúng tôi tìm ra các đội có khả năng thành công cao. Sau đó, chúng tôi sử dụng mô hình này để dự đoán kết quả các lần chạm trán và sử dụng kết quả không làm tròn để tìm ra đội chiến thắng", Goldman Sachs mô tả phương pháp.

Vấn đề ở chỗ, Goldman Sachs từng dự đoán Brazil sẽ chiến thắng 3-1 trước Argentina trong trận chung kết vào World Cup 2014. Tuy nhiên, thực tế, đội tuyển này đã dừng lại ở vòng bán kết trước trận thua đậm 7-1 với Đức.

Dự báo khả năng giành chiến thắng các đội tại World Cup của 3 ngân hàng. Ảnh: Bloomberg

Brazil và Đức là những đội xuất hiện thường xuyên nhất trong dự báo của các ngân hàng. Ngân hàng Danske (Đan Mạch) cũng dự đoán đội tuyển Nam Mỹ này sẽ lập kỷ lục với lần thứ 6 đoạt cúp. Trong khi đó, Commerzbank cho rằng Đức sẽ ghi dấu lần thứ 5 vô địch vào mùa giải năm nay.

Theo phân tích của Goldman Sachs, Pháp có cơ hội giành chiến thắng nhiều hơn một chút so với Đức. Thế nhưng, đội tuyển này phải dừng chân ở bán kết sau khi chạm trán với Brazil.

Tương tự Goldman Sachs, Danske cũng sử dụng các biến kết hợp và chạy mô phỏng để dự đoán đội vô địch. Đồng thời, ngân hàng này còn dùng các biến kinh tế như GDP bình quân đầu người. Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học Innsbruck cho rằng Đức và Brazil sẽ đối đầu trong trận chung kết.

Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) thì dự đoán Đức, Brazil và Tây Ban Nha có nhiều khả năng giành chiến thắng nhất. Trong đó, Đức dẫn đầu với 24% cơ hội chiến thắng.

Để có kết quả này, UBS ghi nhận chỉ số Elo của từng đội. Các chuyên gia sau đó thực hiện các mô hình mô phỏng có tên Monte Carlo. Số lượng lớn các biến được kết hợp để tạo ra 10.000 trận đấu ảo và thống kê lại kết quả.

Trong khi đó, ngân hàng ING (Hà Lan) lại có cách dự đoán khá khác biệt và kinh tế. Ngân hàng này sử dụng thước đo là giá trị thị trường của đội bóng (tính từ giá trị chuyển nhượng từng cầu thủ và hồ sơ xếp hạng của FIFA) cộng với hiệu suất gần đây của các đội.

Kết quả, Tây Ban Nha sẽ vô địch vì có giá trị cao nhất (1,04 tỷ euro). Đội phải ra về sau trận chung kết là Pháp (giá trị đạt 1,03 tỷ euro)

Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cũng có cách tiếp cận gần giống, với các kỹ thuật tương tự như khi cung cấp cân bằng rủi ro cho các nhà đầu tư. Họ áp dụng lý thuyết danh mục đầu tư và giả thuyết thị trường hiệu quả cho World Cup.

Các dữ liệu đầu vào là giá trị các cầu thủ mỗi đội, động lực thi đấu và lịch sử hiệu suất thi đấu. Cuối cùng, ngân hàng này dự báo Pháp và Tây Ban Nha sẽ gặp nhau trong trận chung kết.

Không có dự báo về khả năng thành công của Nga. Goldman Sachs không phân tích được cơ hội nào cho đội chủ nhà để vượt qua vòng bảng. Đồng quan điểm, Commerzbank cho rằng lợi thế sân nhà cũng không giúp Nga tiến sâu.