Thế giới người ta chia ra thành: cha giàu - cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu mẹ Nhật mẹ Hàn rồi đủ thứ mẹ...còn trong tư duy giản đơn của mình, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang (mượn theo tên gọi chỉ một thứ vũ khí của thổ dân Úc ném ra bay tới đích rồi quay về chỗ người ném) và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.
Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng - thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.
Một cô - bạn của tôi - sau khi đốt đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ Rich Kid thành Big Kid đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày games cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu gọi xuống ăn. Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức....thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn và ngủ.
Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước - về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang. Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” - tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép.
Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thủy nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội - mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho chất nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất.
“Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.”
Có lần mình hỏi thử bố: "Bố ơi nhà mình có giàu không?". Bố trả lời: "Bố thì có, nhưng con thì chưa." Hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. Mình tinh nghịch hỏi lại: “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”. Sau câu nói đấy, tự nhiên mình tỉnh hẳn ngủ sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của bố; và tỉnh đến tận bây giờ luôn.
Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi.