Từ đội tuyển Futsal Việt Nam
Ví dụ, mới đây tại FIFA Futsal World Cup 2021, trước đội tuyển Futsal Brazil vô địch thế giới, ĐT Futsal Việt Nam lần thứ 2 tham dự tuy để thua 1-9 trong trận đấu mở màn nhưng từ HLV tới mỗi tuyển thủ, đông đảo người hâm mộ, thậm chí cả trên trang thông tin của FIFA vẫn bày tỏ vui mừng về ý chí chiến đấu đến cùng của ĐT Việt Nam - đội bóng được đánh giá thấp hơn, nhất là tình huống phối hợp đá phạt, như một mũi “đột kích” chớp nhoáng, hiểm hóc để Đình Hùng ghi bàn thắng lịch sử vào lưới ĐT Brazil hàng đầu thế giới.
Mới đây khi nhận định về thành quả vượt bậc của thể thao Việt Nam những năm qua, ông Nguyên Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn TTVN tại SEA games không quên nói đến một thực tế là khi bước ra sân chơi thế giới, chúng ta mang theo nhiều hy vọng nhưng muốn thành công bền vững thì phải biết kiên nhẫn, phải dày công chứ không thể mãi mãi “đi tắt, đón đầu” như trước.
Hiện tại, các môn thể thao Olympic vẫn là một “ngưỡng” mà vì nhiều nguyên nhân, TTVN chưa thể có thành tích trong một sớm, một chiều, thậm chí không thể duy trì nổi thành tích đã từng đạt được. Đạt được chuẩn Olympic, có tên trong danh sách thi đấu và phấn đấu phá kỷ lục của chính mình (thi đấu theo diện khách mời là chuyện khác)… đã là việc vô cùng khó khăn, như thành tích cụ thể của TTVN tại Olympic Tokyo 2020 mới đây chẳng hạn, chứng minh nhận định đó.
Nhiều người từng thấm thía, cảm phục quá trình “cầm súng thi đấu” hơn 20 năm của Hoàng Xuân Vinh để giành HCV, HCB Olympic hay 10 năm trời rèn luyện của Hoàng Anh Tuấn để một lần giành được tấm HCB danh giá của môn cử tạ. Hay thành tích thi đấu môn bơi của Ánh Viên ở SEA Games hay ASIAD là một chuyện, còn khi “nhảy” vào bể bơi Olympic đối đầu với các VĐV tầm cỡ thế giới lại là chuyện “một trời, một vực”. Tương tự như trong thi đấu futsal của ĐT Việt Nam trước “ông lớn” đẳng cấp vượt trội Brazil vừa nói ở đầu bài.
Nhưng nói thế không có nghĩa là an phận, sớm chấp nhận mọi chuyện và đổ hết lỗi cho khách quan, cho thực tế rất khó để san lấp hay vượt qua rõ ràng đó. Ngay sau “trận thua thảm 1-9” trước ĐT Brazil, thầy trò ông Phạm Minh Giang đã chủ động nhìn nhận sự việc theo hướng hay nhất, đúng nhất, cần thiết nhất có thể. Đó là, từng có thời điểm trước đây, các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam phải bỏ tiền ra để “mua” một, hai trận giao hữu với ĐT Futsal và ĐT Olympic Brazil (nhân họ trên đường dự Olympic Bắc Kinh) mà chưa chắc đã thu hoạch được kết quả cụ thể nào về chuyên môn. Còn ngày nay, ĐT Futsal Việt Nam đã “đường đường chính chính” đối đầu với ĐT Futsal Brazil trong một kỳ World Cup, dù thua nhưng thực tế đã được cọ xát, được học hỏi mọi kỹ năng cần thiết của một cầu thủ futsal khi vươn ra thế giới và rút ra được vô vàn kinh nghiệm xương máu, để đời, để vận dụng vào quá trình thi đấu sau đó.
Với ĐT Futsal Việt Nam dự kỳ World Cup lần này, ghi được bàn thắng và hạn chế bàn thua trong trận gặp Brazil là một thắng lợi cụ thể, đạt được một mục tiêu cụ thể. Mục tiêu cao nhất của đội tại giải này là tập trung cao nhất cho trận đấu gặp ĐT Panama với hy vọng giành được 3 điểm, nuôi hy vọng lặp lại thành tích của kỳ đầu tiên dự World Cup là lọt vào vòng 2 từ kết quả 4/6 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất của các bảng đấu.
Đến đội tuyển bóng đá Việt Nam tại World Cup 2022
Tương tự, hành trình đầy cam go của thầy trò ông Park Hang-seo tại vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á lần này là bước tiến vượt bậc của bóng đá Việt từ trước tới nay. Nhưng bài học vươn ra biển lớn không những không thành công mà còn thất bại thảm hại sau đó của người Thái Lan còn nóng hổi và việc ĐT Việt Nam “biết người, biết ta” lúc này đang được đặt ra cụ thể hơn bao giờ hết. Sẽ là một hành trình thu hoạch, kiểm định, đánh giá năng lực cầm quân, năng lực cầu thủ trước các đội bóng lớn, trận đánh nào phải vượt qua, trận đánh nào phải cố gắng…Ban đầu, đối thủ mà ĐT Việt Nam dành nhiều toan tính nhất là ĐT Oman và ĐT Trung Quốc, nhưng thực tế sẽ không đơn giản và dễ dàng.
Vì vậy, việc ông Pak Hang-seo liên tục gọi lên tuyển các cầu thủ có phong độ cao và các tài năng trẻ trong chiến dịch này cho thấy mục tiêu lớn nhất, trước mắt phải đạt được lúc này của bóng đá Việt là bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2018 và tấm HCV SEA Games 2019. Tất nhiên, ĐT Việt Nam vẫn phải thi đấu tốt nhất có thể, ít nhất cũng phải giành được từ 2-3 điểm trong chiến dịch vòng loại này. Điều đó, nói cho cùng, chuyện thắng thua ở những trận đấu cụ thể nào đó không phải là quan trọng nhất, khi vé đi Qatar gần như được “book” sẵn cho các vị khách thường xuyên là ĐT Nhật Bản, ĐT Hàn Quốc, ĐT Iran, ĐT Australia hay ĐT Arabia Saudi…
Điều nhiều người chờ đợi ở ĐT Việt Nam trong các trận đấu khó khăn sắp tới là tâm thế của người không cam chịu, không bao giờ chấp nhận mọi sự có sẵn, trái lại phải là ý chí vươn lên, từng bước, từng lúc để tích lũy, để làm giàu thêm, để nâng dần bảng thành tích của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng trên bản đồ thế giới.