(Baonghean) - Năm 2012 đi qua với rất nhiều nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam, một giải chuyên nghiệp vẫn chưa tìm ra lối đi, một kỳ AFF thất bại ê chề và những biến đổi mạnh mẽ trước mùa bóng mới… Nguy hại hơn, niềm tin và sự quan tâm của người hâm mộ ngày càng nguội lạnh, sự kỳ vọng vào sự phát triển của bóng đá nước nhà chẳng thể đi đến đâu.

Nói vậy để thấy một thực tế là sau hơn 15 năm hội nhập trở lại với thể thao khu vực nói chung và bóng đá nói riêng, chiến lược xây dựng một giải bóng đá chuyên nghiệp mạnh (có một thời gian dài đã được cho là giải chuyên nghiệp hay nhất Đông Nam Á), xây dựng một đội tuyển quốc gia đủ sức vươn ra châu lục vẫn còn rất xa vời. Thất bại tại kỳ AFF vừa rồi cho chúng ta một bài học sâu sắc và cái nhìn thực tế hơn về vị trí của bóng đá Việt Nam.

Năm mới 2013, bóng đá Việt Nam phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng người hâm mộ hy vọng, với cách nhìn nhận thực tế, bóng đá Việt Nam sẽ đi lên một cách vững chắc và ổn định hơn.

Giải Vô địch bóng đá quốc gia V.league sau 10 năm chỉ với 12 đội tham dự, chỉ một suất xuống hạng có thể sẽ bớt đi tính hấp dẫn, nhưng sự rút lui của những ông bầu làm bóng đá theo kiểu “sớm nắng chiều mưa” theo một khía cạnh nào đó sẽ rất tốt cho bóng đá Việt Nam. Khủng hoảng kinh tế quả là có sự ảnh hưởng ghê gớm đến môn thể thao vua, và những chuẩn bị cho mùa bóng mới của các đội bóng cũng cho thấy điều đó. Không còn những hợp đồng đắt giá hay những chiêu “PR” rầm rộ, bóng đá trong nước giờ trở lại với quỹ đạo bình thường vốn có của nó. Việc ưu tiên sử dụng cầu thủ nội do chính các CLB đào tạo sẽ là một đảm bảo lâu dài để tìm kiếm những tài năng mới cho bóng đá nước nhà.

Sau khi HLV Phan Thanh Hùng rút lui khỏi ĐTQG, việc tìm kiếm người thay thế vẫn đang khiến VFF đau đầu, câu hỏi sử dụng HLV “nội” hay “ngoại” khiến cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam lúng túng. Ngoài SEAgame, năm 2013 với ĐTQG không có những giải đấu lớn, việc tìm được một HLV có năng lực, hiểu biết khả năng của từng cầu thủ sẽ rất tốt để xây dựng từ đầu một ĐTQG vốn đã sứt mẻ niềm tin sau những thất bại.

Lâu nay, những giá trị truyền thống của các CLB cũng bị lấn át bởi cách làm bóng đá “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” với kiểu mua bán, chuyển nhượng CLB, đổi tên đội bóng… Qua sóng gió, rất nhiều đội bóng có bề dày lịch sử vẫn tồn tại như một đảm bảo rằng, bóng đá Việt Nam phải đi lên từ những gì vốn có của mình!


Trọng Hải