Đúng là bóng đá không trực tiếp “đẻ ra tiền”. Thế nhưng, sẽ chẳng ai dám phủ nhận môn thể thao vua đã đem lại cho ông bầu những lợi ích lớn lao...
Ông Đức cũng là người Việt Nam đầu tiên được nhật báo tài chính Wall Street Journal mới đây bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, nhờ khối tài sản khổng lồ ước tính đến 10.000 tỷ đồng (chiếm gần 50% tổng tài sản của HAGL).
Vậy điều gì biến chủ của một cơ sở sản xuất nhỏ trở thành một doanh nhân quyền lực tại Đông Nam Á? Như người ta nói, dĩ nhiên nhờ là trí tuệ, là niềm đam mê kiếm tiền. Thế nhưng, ông Đức lại có cách nhìn rất khác: “Nhờ bóng đá, tôi mới có được tiền bạc và địa vị như ngày hôm nay. Bóng đá không làm ra lợi nhuận trực tiếp cho HAGL nhưng lợi nhuận gián tiếp thì không thể kể hết”.
2. Nhắc đến ông Đoàn Nguyên Đức, không thể không nhắc đến ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm, đồng thời là Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An. Con đường khởi nghiệp của 2 doanh nhân này khá giống nhau. Nếu ông Đức bắt đầu từ một xưởng mộc, thì ông Thắng lại khởi nghiệp từ xưởng đóng gạch, trong một gia đình làm nghề gạch bông ở khu Phú Định (quận 6, TP.HCM).
Tuổi thơ ông Thắng trải qua không ít thăng trầm, có giai đoạn cả gia đình phải lao đao bởi cái “nghiệp” đóng gạch. Mãi đến năm 1994, nhà máy sản xuất gạch men đầu tiên của gia đình ông mới ra đời. Đến nay, Đồng Tâm đã trở thành một tập đoàn phát triển đa ngành nghề. Ông Thắng là một thương nhân giàu có, tuy nhiên, người ta cho rằng một trong những “công cụ” chính giúp ông nổi tiếng, tạo uy tín và tiếng vang trên thương trường phải là bóng đá.
Bằng chứng là sau khi ĐT.LA đoạt 2 chức VĐQG năm 2005 và 2006, ông Thắng đã trở thành một “người đương thời”. Ông nổi tiếng với cương vị Chủ tịch hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, là đại biểu Quốc hội.
3. Đã nói đến bầu Đức, bầu Thắng không thể không nói đến những ông bầu khác. Bầu Kiên dù giàu thật, nhưng ông chỉ nổi tiếng kể từ ngày bước vào địa hạt bóng đá.
Có một sự thật, rất ít người biết đến ông Lê Văn Thành. Cho đến ngày cái tên “bầu” Thành xuất hiện ở CLB Xi măng Hải Phòng, danh tiếng của ông Thành mới lên như diều gặp gió. Hiện nay, ông Lê Văn Thành đã là Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng.
Tương tự, trước đây ông Hoàng Mạnh Trường nghe xa lạ lắm. Vậy mà bây giờ ông bầu này “nổi như cồn” với cách làm bóng đá bằng những cái… gật đầu. Ông Nguyễn Đức Thụy của Xuân Thành Sài Gòn, vừa mới làm “bầu” bóng đá được vài năm, nay đã được coi là ông bầu triển vọng nhất làng bóng đá Việt. Người ta gói gọn tính cách ông Thụy bằng 1 chữ “ngông”. Tức là ông không tiếc sức người và sức của, miễn sao xây được “dải thiên hà” đầy sao…
Đúng là bóng đá không trực tiếp “đẻ ra tiền”, doanh nghiệp chỉ đem tiền nuôi bóng đá, chứ bóng đá chưa thể nuôi lại doanh nghiệp. Thế nhưng, sẽ chẳng ai dám phủ nhận môn thể thao vua đã đem lại cho ông bầu, các doanh nghiệp những lợi ích lớn lao, đấy là hình ảnh, thương hiệu, tiếng nói trên thương trường… những thứ đôi khi không thể mua được bằng tiền, thậm chí bằng rất nhiều tiền.
Vậy thì ai có thể làm người tình phụ, ai có thể quay lưng với bóng đá!?
(Theo Bongdaplus)