Nặng lòng với quê hương
Mùa mưa năm nay, người dân xóm Vân Nam, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) không còn phải đi lại trên đoạn đường đất trơn trượt và lầy lội, thay vào đó là con đường bê tông phẳng lỳ. Mỗi khi đi qua đoạn đường ấy, bà con luôn biết ơn gia đình ông Đậu Đình Hậu (SN 1947), người đã tự nguyện chi số tiền hơn 40 triệu đồng để giải tỏa và đổ bê tông, để việc đi lại thêm dễ dàng, thuận tiện.
Nghĩa Hợp cách trung tâm huyện khá xa, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều tuyến đường chưa được nâng cấp để phục vụ việc đi lại. Mỗi khi chứng kiến cảnh các cháu nhỏ đến trường bị trượt ngã, ông Hậu thực sự thương cảm và quyết định chi hơn 40 triệu đồng để thuê máy san ủi, mở rộng và đổ bê tông đoạn đường phía trước nhà.
“Nâng cấp đoạn đường trước tiên là để con cháu của mình, rồi đến bà con lối xóm đi lại được dễ dàng. Đời sống người dân còn vất vả, ngân sách địa phương eo ẹp, đây xem như là một sự đóng góp cho quê hương”
Theo ông Võ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp, việc làm của ông Hậu đã tạo sự lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Bởi sau gia đình ông Hậu, nhiều hộ ở xóm Vân Nam và trên địa bàn toàn xã đã tự nguyện hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí, công sức để làm đường giao thông nông thôn. Điển hình là ông Đinh Thái Minh (SN 1951) đã vận động các thành viên trong gia đình bỏ kinh phí để san lấp, rải đá cấp phối 200 mét đường và xây bờ kè dài hơn 100 m ở đoạn đường trước ngõ. Vì thế, ông Hậu đã trở thành tấm gương mẫu mực, được bà con trong xóm và toàn xã yêu mến, quý trọng.
Ở nhiều địa phương, việc xây dựng đường giao thông nông thôn gặp không ít khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, bởi nhiều gia đình không chịu hiến đất, cây cối, tường rào để mở rộng mặt đường theo tiêu chuẩn. Hệ thống chính trị được huy động vào cuộc, Hội Người cao tuổicác cấp đã tích cực vận động hội viên thuyết phục con cháu nâng cao tinh thần, ý thức công dân và đóng góp cho sự thay đổi của quê hương.
Nhiều người tuy tuổi cao nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé cho quê nhà, nhất là cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Điển hình là ông Đoàn Quang Hồng, thôn Vân Tập, xã Minh Châu (Diễn Châu) luôn nêu gương trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Mỗi khi thôn, xã phát động phong trào, ông Hồng luôn tích cực vận động bà con tham gia, và để nêu gương, trước tiên ông vận động các thành viên trong gia đình và con cháu của mình thực hiện. Nhờ đó, trong quá trình mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xã Minh Châu có 165 gia đình hội viên Hội Người cao tuổi tự nguyện tháo dỡ cổng nhà, tường bao, công trình phụ và hiến trên 1.500 m2 đất.
Theo ông Nguyễn Chí Tuyến – Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tính từ đầu năm 2021 đến nay, người cao tuổi trong toàn tỉnh đã hiến hơn 182.209 m2 đất, ủng hộ 10.152 ngày công và gần 13 tỷ đồng. Trong đó, tiêu biểu là các huyện Đô Lương hiến 59.000 m2 đất, Nghĩa Đàn 55.951 m2, Thanh Chương 53.597 m2…
Trao truyền vốn quý
Bên cạnh tinh thần xây dựng quê hương, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, ở Nghệ An nhiều người cao tuổi thực sự tâm huyết với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa. Trải qua những năm tháng tích lũy kinh nghiệm, cộng với năng khiếu và niềm đam mê sẵn có, nhiều cụ, mẹ đã trở thành nghệ nhân dân gian, là “kho báu” lưu giữ vốn quý của người xưa truyền lại.
Như bà Nguyễn Thị Hương ở xóm Làng Phan, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) xấp xỉ tuổi 70 nhưng vẫn miệt mài với việc truyền dạy dân ca xứ Nghệ. Là “linh hồn” của CLB Dân ca xã Hưng Tân, vào mỗi kỳ sinh hoạt, bà Hương say sưa truyền cảm hứng, niềm đam mê cho thế hệ trẻ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Nhờ đó, CLB Dân ca của xã không ngừng phát triển, có sự nối tiếp giữa các thế hệ và giành được nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn.
Hiện tại, ở nhiều CLB Dân ca xứ Nghệ, người cao tuổi là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt thế hệ sau trên con đường bảo tồn bản sắc âm nhạc của quê hương. Các nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh (Hoa Sơn – Anh Sơn), Nguyễn Đình Túc (Diễn Kỷ - Diễn Châu) và Trần Đức Thắng (Nghĩa Đồng – Tân Kỳ)… đều là những người chạm và vượt ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn dào dạt sức trẻ qua từng câu hát, lời ca khi thể hiện các làn điệu dân ca. Giọng hát và tiếng đàn của họ đã tạo nên sức hút với bao thế hệ, để “điệu hồn” quê hương mãi lắng đọng và lan tỏa qua thời gian và cả không gian.
Ở vùng cao, người cao tuổi là những “cây đại thụ” của bản làng, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu và cho cả dân bản. Trong đó, nhiều người đang lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc mình và đang ngày đêm tìm cách trao truyền cho hậu thế. Các nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (Môn Sơn – Con Cuông), Vi Khăm Mun (Yên Hòa – Tương Dương), Moong Thị Lợi (Hữu Kiệm – Kỳ Sơn), Sầm Thị Vinh (Châu Tiến – Quỳ Châu) và Lô Thị Hương (Thành Sơn – Anh Sơn) là những người đã và đang nỗ lực giữ lại nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc.
Nhờ niềm say mê và tâm huyết của các bậc cao niên ấy mà làn điệu khắp, lăm, nhuôn cùng chữ viết của người Thái; điệu tơm của người khơ mú và làn điệu cự xia của đồng bào Mông vẫn ở lại với bản làng đến tận hôm nay.
“Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc muốn đạt kết quả cao trước tiên phải biết dựa vào các bậc cao niên, những người đang lưu giữ vốn quý về văn hóa. Nếu biết cách vận động, khơi dậy niềm đam mê đối với người cao tuổi chắc chắn các cụ, các mẹ sẽ vui sướng khi được trao truyền vốn quý cho thế hệ sau”.
Có thể nói trong xã hội hôm nay, người cao tuổi thực sự có những đóng góp đáng kể trên các mặt đời sống, từ phát triển kinh tế, xây dựng quê hương đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Vì vậy, gia đình, xã hội cần tiếp tục quan tâm, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần để người cao tuổi không ngừng cống hiến, luôn là điểm tựa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.