Sinh ra trong một gia đình có bố là một chiến sỹ công an, chị gái cũng trong ngành công an, Trọng Hoàng vốn là một cậu bé ngoan ngoãn, học lực tốt nên bố mẹ đã dần định hướng cho con trai theo nghiệp cảnh sát.
Nhưng rồi từ những giải đấu cấp trường, cấp phường, Trọng Hoàng được các thầy phát hiện và thuyết phục cho anh gia nhập SLNA tập bóng. Ba năm khổ luyện, đầu năm 2003, Trọng Hoàng được chọn vào ĐT U14 Việt Nam tham dự giải vô địch Đông Nam Á trên đất Thái Lan, giành huy chương đồng. Sau đó, thành tích liên tục đến với Hoàng khi đoạt huy chương ở các giải U17, U19 và U21 quốc gia.
Sau chức vô địch U17 QG với vai trò thủ quân, Trọng Hoàng đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, hoặc là bất chấp theo nghiệp quần đùi áo số, hoặc phải nghe lời bố theo nghiệp công an. Thế rồi mỗi đêm, Trọng Hoàng lẻn sang phòng bố để thuyết phục. Vì Trọng Hoàng tin rằng, mình thực sự yêu và có khả năng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Đã không ít lần khi nhắc đến chuyện không thi đại học mà theo nghiệp bóng đá, hai bố con “chiến tranh lạnh” vài ngày, Trọng Hoàng kể: “Tất nhiên bố mẹ luôn muốn định hướng những nghề nghiệp tốt nhất cho con, nhưng chính khả năng và đam mê của tôi đã khiến bố đồng ý”.
Sau một lần lỡ hẹn với SEA Games 24 vì bận thi tốt nghiệp THPT, Trọng Hoàng trở thành nhân tố chính, được kỳ vọng nhiều nhất tại SEA Games 2009 tại Lào. Ở trận đấu gặp Malaysia tại vòng bảng, Trọng Hoàng ghi 1 bàn thắng nhưng đến trận chung kết, anh gặp không kịp bình phục chấn thương.
Đó là một trong những kỳ SEA Games đau đớn nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Sai lầm đá phản lưới nhà của hậu vệ Mai Xuân Hợp đã kéo dài món nợ lịch sử, hàng triệu giọt nước mắt đã rơi và nỗi buồn đó cũng xuất hiện trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Trọng Hường.
Trải qua 10 năm, Trọng Hoàng trở thành cầu thủ “độc nhất vô nhị” của Việt Nam sở hữu đầy đủ các danh hiệu lớn nhỏ, từ cấp trẻ, CLB đến U22, Olympic và ĐTQG. Và khi con trai cùng U22 Việt Nam trong hành trình chinh phục SEA Games trên đất Philippines, ông Hường đã rơi nước mắt.
Trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia tại vòng bảng, Trọng Hoàng bị đối thủ phạm lỗi thô bạo và hai đầu gối rơm rớm máu đỏ. Nhìn thấy hình ảnh đó, ông Hường tâm sự: “Tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy con trai gặp chấn thương, Hoàng gọi về bảo không sao nhưng tôi thương con chẳng biết làm thế nào. Trọng Hoàng đã nhiều lần chấn thương, nhưng chưa bao giờ tôi rơi nước mắt”.
Và rồi Trọng Hoàng vẫn chơi trong trận chung kết với hai đầu gối không lành lặn, phải băng bó. Anh cùng U22 Việt Nam khiến Indonesia phải nhận trái đắng và giải cơn khát vô địch SEA Games suốt 60 năm ròng rã.
Trong căn nhà nhỏ tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, ông Hường và vợ xem trận chung kết SEA Games với những người láng giềng, mắt ông Hường vẫn còn đỏ hoe khi nhìn những bước chạy không biết mệt mỏi của con trai. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc và tự hào.