(Baonghean) - Năm nay, chúng ta kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám đồng thời cũng là kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc; là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Di chúc của Người, 45 năm qua, nhất là gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đã nỗ lực xây dựng và bảo vệ đất nước, đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, soi rọi lại những lời dặn của Người trong Di chúc thì thấy có một vấn đề hệ trọng vẫn đang khiến không ít người cảm thấy lo lắng, không yên tâm. Đó là việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Sở dĩ phải nói như vậy là vì, trong Di chúc, ngay sau phần nói về Đảng là Người dành nói về thanh niên. Người khẳng định “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Chính vì thế, Người căn dặn “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””. Điều đó cho thấy, Người rất quan tâm đến vấn đề này. Và đã có một giai đoạn, một thời kỳ, đất nước ta có một lớp trẻ rất ưu tú, có những đóng góp quan trọng, quý giá làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và vào giai đoạn đầu cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Nhưng những diễn biến mới trong tư tưởng, tình cảm của lớp trẻ hôm nay khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng. Đó là bên cạnh những thanh niên tiếp nối được truyền thống của các lớp cha, anh đi trước, thì có không ít thanh niên sa vào lối sống hưởng thụ, sống gấp, sống ỷ lại, sống không lý tưởng, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống. Và nguy hiểm hơn là ý thức chính trị giảm sút đi rất nhiều. Biểu hiện cụ thể là không ít thanh niên không muốn vào Đảng, không muốn tham gia các công tác xã hội, mà chỉ muốn dành thời gian học hành, chơi bời hay làm giàu cho chính mình mà thôi. Lỗi này không chỉ ở thanh niên, mà còn ở những cán bộ, đảng viên đi trước. Như lời ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư nói tại Hội nghị toàn quốc triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên đã làm được gì và bồi dưỡng thế hệ đời sau như thế nào, nhất là bồi dưỡng bằng tấm gương của chính mình? Lòng tin của thanh niên bây giờ ra sao đối với Đảng và Nhà nước so với những năm trước”. Rồi ông thừa nhận: “Trong quá trình chuẩn bị các nghị quyết của Trung ương, chúng tôi có nghiên cứu vấn đề đó và thấy, lòng tin của thanh niên có giảm sút”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mấy nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ cán bộ trẻ trong đội ngũ cán bộ cấp ủy chưa khi nào đạt được theo quy định. Thanh niên thì giảm sút lòng tin. Đội ngũ cán bộ trẻ thì không có đủ theo quy định. Thêm một biểu hiện đáng suy nghĩ nữa, trong số 13 thanh niên tài năng bước lên đỉnh cao trong các kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia được ra nước ngoài du học, chỉ duy nhất một người trở về nước làm việc, còn lại đều định cư ở nước ngoài. Chỉ từng đó thôi cũng đủ thấy công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau hiện đang có không ít bất cập.
Nói ra như vậy để rồi đi tới thống nhất một quan điểm là, kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách thiết thực nhất là xem xét, nhìn nhận lại và chỉ rõ ra những gì còn thiếu sót, yếu kém trong việc thực hiện những lời căn dặn của Người. Để từ đó nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân và đề ra được biện pháp khắc phục cụ thể, có hiệu quả cao. Những gì mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đạt được trong suốt 45 năm thực hiện Di chúc của Người là rất đáng tự hào, rất đáng khâm phục. Như đã nói ở trên, đó là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng những thành tựu đó không chắc đã được tiếp nối và nhân lên nếu như không kịp thời xây dựng, bồi dưỡng được một thế hệ cách mạng như đã từng có. Cho nên, việc cần kíp nhất lúc này là phải tập trung bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Bao gồm, bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Bởi, như lời Người đã dạy "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Làm cán bộ thì phải vừa có đức, vừa có tài. Vì, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; người có tài mà không có đức sẽ trở nên vô dụng. Bồi dưỡng thể chất. Có đức, có tài nhưng cần phải có sức khỏe nữa mới có thể cống hiến cho đất nước, cho nhân dân được nhiều hơn. Người đã từng nói "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe". Phải tiếp tục thấm nhuần lời dạy của Người “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng, rất cần thiết”. Đó là việc cần kíp nhất trong lúc này.
Duy Hương