(Baonghean) - Ngày 16/11/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư 40 về thực hiện chính sách “thông tuyến” trong khám, chữa bệnh (có hiệu lực ngày 1/1/2016). Không biết vô tình hay “hữu ý” mà cuối tháng 9/2015, các bệnh viện tư hạng II (tuyến tỉnh) trên địa bàn Nghệ An đồng loạt xin xuống hạng III (tuyến huyện).
Bài 1: >>> Cầm thẻ bảo hiểm y tế đi viện dễ như ... đi chợ
Bài 3: >>> Bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế: 'Vỡ trận' rồi mới 'chữa cháy'
“Chất lượng 5 sao, giá cả 3 sao”
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về việc phấn đấu xây dựng Nghệ An thành Trung tâm Y tế của vùng Bắc Trung bộ, Nghệ An đã chú trọng đầu tư cho ngành Y tế, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng khám chữa, phục vụ người bệnh. Nhiều bệnh viện tư ra đời với “sứ mệnh” trở thành những bệnh viện khám chữa bệnh hàng đầu trong cả nước, là địa chỉ tin cậy của người dân. Hiện nay, Nghệ An là tỉnh có số lượng bệnh viện ngoài công lập nhiều thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 21/1/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 403/UBND-TM đồng ý cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh tạm thời hưởng mức thanh toán khám, chữa bệnh BHYT tương đương bệnh viện công lập hạng II (bệnh viện tuyến tỉnh). Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng trước khi có Thông tư 40 của Bộ Y tế về việc “thông tuyến” trong khám, chữa bệnh, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đồng loạt có tờ trình xin xuống hạng III (bệnh viện tuyến huyện) với nội dung “Căn cứ về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực hiện có; để phát huy hết năng lực và khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nhằm góp phần phục vụ tốt hơn cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn và trong khu vực”.
Điều 8, Chương III, Thông tư 40 nêu rõ: “Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4, Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Có nghĩa là, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương thì người dân sẽ được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo BHYT. Ngược lại, nếu bệnh viện được xếp hạng III (tuyến huyện) thì sẽ được thông tuyến khám, chữa bệnh theo quy định tại thông tư này. |
Tháng 10/2015, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có Công văn ủng hộ chủ trương công nhận 10 bệnh viện tư trên địa bàn Nghệ An là cơ sở khám, chữa bệnh tương đương tuyến huyện (hạng III) để tham gia khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Công văn cũng đề nghị các bệnh viện liên hệ với Sở Y tế, Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An để được hướng dẫn theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Ngày 16/12/2015, Sở Y tế Nghệ An có Công văn số 3181/SYT-NYV gửi BHXH tỉnh xin ý kiến tạm thời xếp hạng bệnh viện tư nhân. Sau đó, BHXH Nghệ An có Công văn số 3913/BHXH-GĐBHXH trả lời: Hầu hết các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn đều có trang thiết bị tương đối hiện đại, đồng bộ, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao.
Vì vậy, căn cứ Công văn số 6969/BYT-KHTC ngày 30/10/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, BHXH tỉnh Nghệ An đề nghị tiếp tục tạm thời xếp các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tương đương hạng II, tuyến tỉnh như ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 403/UBND-TM ngày 21/1/2014.
Tuy nhiên, ngày 23/12/2015, Sở Y tế Nghệ An vẫn có tờ trình đề nghị UBND tỉnh quy định tạm thời các bệnh viện đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An tương đương bệnh viện hạng III, tuyến huyện để làm cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; cụ thể là 10 cơ sở: Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinh, Bệnh viện Đa khoa Minh Hồng, Bệnh viện Đa khoa 115, Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, Bệnh viện Đa khoa Thái An, Bệnh viện Đa khoa Đông Âu, Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn; Bệnh viện Đa khoa Thành An Sài Gòn, Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện Răng hàm mặt Thái Thượng Hoàng.
Thắc mắc về việc các bệnh viện tư đều quảng cáo là có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sỹ giỏi, thậm chí mời cả các chuyên gia đầu ngành từ mức tương đương với bệnh viện hạng II “rớt xuống” hạng III, ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Trên thực tế hiện nay chưa có bộ tiêu chí nào để đánh giá, phân loại các bệnh viện ngoài công lập. Còn việc “xếp hạng” tương đương tuyến huyện, tuyến tỉnh là để theo đúng quy trình khi BHYT thanh toán. Việc “xuống hạng” hay “lên hạng” không quan trọng bằng việc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và quyền lợi của người dân. “Giống như khách sạn chất lượng 5 sao mà giá cả 3 sao”, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay.
Khoan bàn đến tính xác đáng của việc “xuống hạng” nói trên, một thực tế là sau khi Thông tư 40 về thực hiện chính sách “thông tuyến” trong khám, chữa bệnh có hiệu lực, xuất hiện “trào lưu” đi khám ở các bệnh viện tư nhân bởi theo nhiều người thì chất lượng khám, chữa bệnh ở đây tốt hơn, vừa được phục vụ nhanh chóng, vừa được sử dụng nhiều dịch vụ, máy móc hiện đại mà không tốn kém vì đã có BHYT thanh toán.
Thông tuyến, “xuống hạng”: Hành trình nhiều bất cập
Nhờ “đi tắt đón đầu” Thông tư 40, các bệnh viện tư nhân ở Nghệ An trở thành “cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương”. Số lượt khám bệnh ban đầu ở các bệnh viện này vì thế mà cũng tăng vọt theo cấp số nhân. Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2016, số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông trên 53.596 lượt, Bệnh viện 115 Nghệ An 30.031 lượt; Bệnh viện Quốc Tế Vinh 16.825 lượt; Phòng khám đa khoa tư nhân Quang Khởi 18.569 lượt; Bệnh viện Đa khoa Minh Hồng 12.007 lượt, Bệnh viện Đa khoa Đông Âu 12.861 lượt, Bệnh viên Đa khoa Thành An Sài Gòn 11.198…
Một mặt, việc các bệnh viện tư nhân được khám chữa bệnh thông tuyến giúp giảm tải áp lực cho các bệnh viện công lập cùng tuyến khi Thông tư 40 có hiệu lực. Kịch bản “vỡ trận” khám chữa bệnh đã được các cơ quan quản lý lường đến và hoàn toàn có nguy cơ xảy ra bởi điều kiện cơ sở vật chất y tế của hệ thống công lập có tốc độ tăng trưởng không cao, khó đáp ứng được sự gia tăng đột biến về nhu cầu khám, chữa bệnh. Trên thực tế, tình trạng quá tải bàn khám bệnh tại một số cơ sở công lập đã được ghi nhận. Khi các bệnh viện tư nhân được khám, chữa bệnh thông tuyến, sẽ thu hút một bộ phận người bệnh, tránh được kịch bản “vỡ trận” nói trên. Quả nhiên, số lượt khám bệnh ban đầu sau khi Thông tư 40 có hiệu lực đã có sự tăng vọt trong khối ngoài công lập.
Tuy nhiên, việc “đánh đồng” cơ sở khám chữa bệnh tư nhân với cơ sở công lập tuyến huyện có sự chênh lệch rõ rệt về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực dẫn đến nhiều bất cập. Việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh “chất lượng 5 sao, giá cả 3 sao” có thực sự có lợi cho người bệnh?.
Trên thực tế, mức chi trả BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác tuyến không giống nhau. Nghiễm nhiên bệnh viện tuyến trên sẽ được hưởng mức chi trả cao hơn bệnh viện tuyến dưới (cơ sở vật chất, đa dạng dịch vụ và phạm vi hoạt động lớn hơn). Như vậy, nếu người bệnh đến các cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng mức chi trả cho tuyến dưới, nhưng lại sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại, kỹ thuật cao thì sẽ không được hưởng mức thanh toán như ở các cơ sở tuyến trên. Đây chính là thực tế đang xảy ra ở một số bệnh viện tư nhân sau khi được chấp thuận “xuống hạng”.
Ngày 30/12/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 5388/BHXH-CSYT về việc hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT, trong đó có nội dung quy định: “Đối với bệnh viện tư nhân năm 2015 đã thống nhất thanh toán theo mức giá tương đương bệnh viện hạng II, năm 2016 tiếp tục thực hiện như năm 2015, xác định là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và không thực hiện khám, chữa bệnh thông tuyến”. Còn nếu để các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương tuyến tỉnh được khám, chữa bệnh thông tuyến thì phải “đợi” đến ngày 1/1/2021 theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được thông qua ngày 13/6/2014.
(Còn nữa)
Nhóm PV